Rủi ro từ việc 'gom, trữ' thuốc, hàng y tế phòng bị điều trị COVID-19 tại nhà

Với nhiều nơi, điều trị tại nhà với người nhiễm COVID-19 được coi là một giải pháp hợp lý vì phần lớn ca nhiễm không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, để điều trị hiệu quả và an toàn, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên chuẩn bị đúng cách, tránh áp dụng các biện pháp có thể đe dọa sức khỏe và tính mạng chính mình.

Ba loại thuốc corticosteroid, remdesivir và interleukin-6 được WHO khuyến cáo điều trị COVID-19 nhưng chỉ dùng trong bệnh viện, cho bệnh nhân nặng, không dùng cho người nhiễm tự điều trị ở nhà. 

Muôn kiểu hoảng loạn tìm mua sản phẩm điều trị tại nhà

Hồi tháng 4, lúc Ấn Độ gồng mình trước làn sóng COVID-19 thứ hai, hàng trăm người dân TP Chennai (bang Tamil Nadu) xếp hàng chờ mua thuốc kháng virus remdesivir cho người thân nhiễm COVID-19 đang điều trị tại nhà, theo tờ The Times of India. Loại thuốc này được Ấn Độ, Mỹ và nhiều nước khác cấp phép sử dụng khẩn cấp trong điều trị COVID-19. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng có điều kiện remdesivir trong điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và chỉ dùng trong bệnh viện.

Còn tại Indonesia, người dân đổ xô mua ivermectin, một loại thuốc khác cũng được tin là chữa được COVID-19 nhưng bị WHO khuyến cáo chỉ được sử dụng trong nghiên cứu lâm sàng.

Tại châu Phi, nơi hệ thống y tế còn hạn chế và nhiều bệnh nhân không có cơ hội nhập viện, các loại thảo dược được nhiều người săn tìm dù chưa được cơ quan y tế cấp phép. Một thầy thuốc ở Cameroon cho biết người dân nước này cũng như từ những nước láng giềng đã tìm đến chuỗi phòng khám của ông để mua một bài thuốc được tin là trị được COVID-19, theo hãng thông tấn Anadolu.

Cùng với thuốc và thực phẩm dinh dưỡng, các nước có dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng cũng chịu cảnh khan hiếm các thiết bị y tế hỗ trợ hô hấp. Người dân nhiều nước châu Á tìm mọi cách mua máy trợ thở, bình ôxy y tế, máy tạo ôxy… cho người thân mắc COVID-19 điều trị tại nhà. Tình trạng này càng hoảng loạn khi số người nhiễm COVID-19 không được nhập viện tăng cao.

Tại Ấn Độ, Indonesia, Myanmar… đã xảy ra tình trạng khan hiếm bình ôxy y tế và máy trợ thở. Hồi tháng 4, từ khóa “cách tạo ôxy tại nhà” từng nằm trong nhóm được tìm kiếm hàng đầu tại Ấn Độ. Cũng tại quốc gia Nam Á này, đã có tình trạng găm hàng, tăng giá vật tư y tế và bán thuốc giả.

Người dân Ấn Độ xếp hàng mua bình ôxy y tế vào cuối tháng 4, lúc làn sóng COVID-19 thứ hai ở nước này gần mức đỉnh điểm.
Ảnh: PRESS TRUST OF INDIA

Chỉ cần nhiệt kế, thuốc thông thường và thận trọng khi điều trị tại nhà

Điều đáng lo ngại là việc sử dụng không đúng cách hoặc lạm dụng thuốc, thiết bị y tế có thể ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị hoặc gây nguy hiểm cho chính người dùng.

Các loại thuốc đã được một số nước cấp phép như remdesivir là thuốc kê đơn, vì vậy người dân không thể tự ý mua trữ mà không có sự đồng ý của bác sĩ.

Các bác sĩ Ấn Độ cũng cảnh báo về việc tự tạo và dùng ôxy y tế tại nhà. Theo bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm Swapneil Parikh, ôxy hỗ trợ hô hấp cần đáp ứng các tiêu chuẩn y tế nghiêm ngặt và việc sử dụng sai cách có thể gây nguy cơ cháy nổ. Bác sĩ chuyên khoa hô hấp Ravindra Mehta lưu ý rằng việc dùng các thiết bị hỗ trợ hô hấp tại nhà cần sự hướng dẫn kỹ lưỡng của các nhân viên y tế.

Trong khi đó, nhiều phương pháp điều trị khác, gồm cả các bài thuốc y học cổ truyền, chưa được chứng minh hiệu quả một cách khoa học. Viện hàn lâm Y học quốc gia Mỹ (NAM) bác bỏ các giả thuyết gừng, nước chanh, tỏi, mật ong… có thể tiêu diệt virus SARS-CoV-2. NAM khẳng định viên kẽm hoặc các sản phẩm chứa probiotic (lợi khuẩn) có lợi cho sức khỏe, song lưu ý rằng chưa có bằng chứng khoa học cho thấy các thực phẩm chức năng này có thể chống lại virus SARS-CoV-2.

BS Khadidiatou Ba Fall, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Senegal, cũng có quan điểm tương tự. Ông Fall nói rằng hoàn toàn không có bằng chứng cho thấy các loại sản phẩm tự nhiên này chữa được COVID-19 dù chúng có thể tăng cường miễn dịch. Quỹ Giáo dục CHPA (Mỹ) cũng nêu rõ rằng không có thực phẩm chức năng nào có thể phòng ngừa, chẩn đoán hay điều trị COVID-19.

Tại Ấn Độ, người dân cũng được khuyến cáo thận trọng với các biện pháp điều trị không dùng thuốc. BS Satyanarayana Mysore, chuyên khoa hô hấp, kể rằng nhiều bệnh nhân COVID-19 đã xông hơi “cực kỳ phản khoa học”, làm bỏng niêm mạc đường hô hấp. BS Fall cũng cảnh báo rằng xông hơi có thể khiến tổn thương phổi nghiêm trọng hơn hoặc gây phản ứng ho hoặc hắt hơi, từ đó lây truyền virus cho những người xung quanh.

Quỹ CHPA và nhiều tổ chức y tế uy tín trên khắp thế giới khuyến cáo rất đơn giản về cách chuẩn bị cho tình huống bị nhiễm COVID-19 và điều trị tại nhà, đó là chuẩn bị sẵn nhiệt kế cùng một số loại thuốc không kê đơn để điều trị triệu chứng như ho, sốt, đau họng, buồn nôn… Tuy nhiên, các loại thuốc này chỉ có tác dụng với từng triệu chứng, không thể tiêu diệt virus SARS-CoV-2 và cần được sử dụng đúng cách, đúng liều lượng.

Cần lưu ý rằng các biện pháp trên chỉ để chuẩn bị cho tình huống xấu là bị nhiễm bệnh và tốt nhất vẫn là phòng bệnh hơn chữa bệnh, theo quan điểm của cộng đồng y khoa thế giới. Còn theo công ty tư vấn Plextek (Anh), với COVID-19, khoản đầu tư phòng dịch rẻ hơn nhiều so với chi phí điều trị.•

 

“Chiến lược sống lành mạnh” phòng tránh COVID-19

Các chuyên gia thuộc hệ thống y tế ĐH Maryland (Mỹ) đã giới thiệu một “chiến lược sống lành mạnh” giúp tăng cường khả năng đề kháng trước COVID-19.

Đầu tiên, cần duy trì vận động, tập thể dục ít nhất 20 phút/ngày. Ăn uống cân bằng các loại dưỡng chất, bổ sung nhiều trái cây và rau quả. Hai điều này là chìa khóa để duy trì cân nặng hợp lý, một trong những tiêu chuẩn tiếp theo của “chiến lược sống lành mạnh”.

Đảm bảo chất lượng giấc ngủ, xây dựng đồng hồ sinh học và thói quen ngủ hợp lý, đủ giấc, vệ sinh tốt phòng ngủ.

Giảm căng thẳng và phát triển các cơ chế đối phó lo âu, thông qua kết nối với người thân và bạn bè, thực hành thiền thường xuyên, tập thể dục, vẽ tranh, đàn hát… Nếu trong khu vực bị hạn chế ra khỏi nhà, việc kết nối qua mạng xã hội cũng có hiệu quả tương tự.

Giảm thiểu các thói quen xấu như hút thuốc, đặc biệt cần thiết trước một dịch bệnh về đường hô hấp như COVID-19 để bảo vệ phổi tốt hơn. Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn.

Nâng cao đề kháng chưa đủ, cần thực hiện đầy đủ biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập đông người, che miệng khi ho hoặc hắt hơi…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm