XỬ VỤ NGHI ÁN GIẾT NGƯỜI QUĂNG XÁC XUỐNG KÊNH Ở BẠC LIÊU

Rượt đuổi gây ra cái chết của nạn nhân?

Ngày 23-10, TAND tỉnh Bạc Liêu xử sơ thẩm vụ án giết người xảy ra ở huyện Hòa Bình mà báo Pháp Luật TP.HCM từng có bài phản ánh. Tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Chí Nguyện 10 năm tù, Huỳnh Phạm Sơn Lâm tám năm tù, Nguyễn Ngọc Trường bảy năm tù, cùng về tội giết người theo khoản 2 Điều 93 BLHS.

Trước đó, TAND huyện Hòa Bình xử các bị cáo về tội gây rối trật tự công cộng với mức án cao nhất 18 tháng tù, buộc ba bị cáo bồi thường 135 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần và mai táng phí cho gia đình nạn nhân. Bản án này sau đó bị tuyên hủy để điều tra, xét xử lại. Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM có bài phân tích và nêu nghi vấn về cái chết ngạt nước quá bất thường của nạn nhân, cơ quan tố tụng chuyển sang khởi tố và truy tố các bị cáo về tội giết người.

Bị rượt đuổi vẫn móc điện thoại ra để trên bờ rồi qua cầu khỉ!?

Theo cáo trạng, chiều 15-10-2012, do có mâu thuẫn, anh Trung mang dao đi tìm và rượt đuổi Nguyện. Đáp trả, Nguyện rủ thêm hai người lấy cây gỗ và dây xích chạy ra đê để đánh anh Trung. Lúc này, anh Trung đang chạy bộ dọc theo bờ đê. Khi chạy đến cống vuông tôm gần cầu khỉ thì móc điện thoại ra để lên cống và chạy qua cầu khỉ, khi lên đoạn giữa cầu thì rơi xuống kênh. Từ xa, cách 85 m, nhóm bị cáo nhìn thấy anh Trung rơi xuống kênh thì chạy đến đứng hai đầu cầu và giữa cầu, chờ anh Trung lội lên để đánh. Không thấy anh Trung về nhà, gia đình đi tìm, đến tối thì phát hiện Trung đã chết dưới kênh do ngạt nước.

Giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Bạc Liêu kết luận: Trung chết do ngạt nước, toàn thân không có dấu vết của ngoại lực tác động. Hai mũi có bọt khí màu trắng chảy ra. Miệng ngậm, có bọt khí màu hồng nhạt chảy ra. Khí quản có nhiều dịch màu hồng nhạt và bọt khí màu trắng. Lòng khí quản sung huyết và có dị vật. Phổi sung huyết và căng phồng. Trong nhu mô phổi có dịch và bọt khí màu hồng nhạt…

Cáo trạng mới xác định: “Dù không có ý định tước đoạt mạng sống của anh Trung nhưng hành vi nhiều người cầm cây rượt đuổi nạn nhân chạy qua cầu khỉ rơi xuống kênh buộc ba bị cáo phải nhận thức được hành vi của mình có thể nguy hiểm đến tính mạng của người khác. Ba bị cáo thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra nhưng vẫn bỏ mặc và thực tế hậu quả chết người vẫn xảy ra”.

 
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: NGÂN NGA

Biết bơi, vẫn chết ngạt ở nơi chỉ sâu 1 m?

Tại tòa, cả ba bị cáo đều khai mình không phạm tội giết người mà chỉ phạm tội gây rối trật tự công cộng. Các bị cáo cho rằng khi nhận được cáo trạng do thấy không đúng tội danh nên đã không ký nhận cáo trạng. Các bị cáo trước đó không hề quen biết nạn nhân. Nguyện nói bị anh Trung cầm dao đuổi theo cách nhau khoảng 40 m, thấy vậy bị cáo mới kêu Lâm, Trường đến. Khi Trường đến đã chở Nguyện và Lâm rồi mang theo gậy tầm vông và dây xích đuổi đánh Trung. “Trung chạy bộ được một đoạn thì không biết vì sao chạy vào cầu khỉ, rơi xuống kênh. Cả ba đã chờ Trung ngoi lên để đánh dằn mặt vì không có làm gì mà Trung lại rượt đuổi đánh bị cáo. Bị cáo không ác ý, không mâu thuẫn gì cả” - Nguyện nói.

Chủ tọa ngắt lời: “Anh Trung chạy bộ không thể nhanh hơn các bị cáo nên mới chạy vào cầu khỉ”.

Trường khai thêm: “Bị cáo nghĩ anh Trung chạy đoạn đường trên 300 m thì mệt. Khi bị cáo chở hai người đuổi theo thì đoạn đường càng lúc càng gần do anh Trung chạy bộ. Nếu anh Trung không qua cầu khỉ thì sẽ đuổi kịp. Thấy Trung té, mực nước chỉ khoảng 1 m, đứng canh khoảng 5-6 phút nhưng không thấy ngoi lên và cũng không nghĩ Trung nguy hiểm đến tính mạng” - Trường nói.

Mẹ của anh Trung cho rằng truy tố các bị cáo ở tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp là không đúng mà phải là cố ý giết người. “Nhà tôi làm ao vuông dĩ nhiên con tôi phải biết bơi. Chú ruột vớt xác con tôi lên, mặt con tôi úp xuống, máu ra cục cục. Tôi khóc la lên, vợ ông Đen (người dân gần hiện trường) ra nói con bà bị giết chết. Gia đình có chứng kiến khám nghiệm tử thi nhưng không ký vì nội tạng con tôi đã bị dập, lưng có vết bầm, cổ máu bầm cục, dạ dày không có nước chứ không giống như trong hồ sơ. Họ giết con tôi siết cổ bằng xích, quăng xác xuống kênh. Tôi yêu cầu phải xử các bị cáo tội cố ý giết người” - mẹ nạn nhân bức xúc.

“Không có căn cứ khẳng định bị cáo siết cổ nạn nhân”

Công tố viên nhấn mạnh: “Lúc bị cáo Trường bị Trung cầm dao rượt đuổi sao không báo công an? Do ý thức chấp hành pháp luật không tốt. Rõ ràng lực lượng bị cáo đông hơn nên Trung mới chạy. Điều này chứng tỏ người ta sợ mới chạy, lẽ ra thì thôi, chứ lại cố đuổi theo”. Theo kiểm sát viên, Nguyện, Trường và Lâm đã sử dụng cây gỗ, dây xích rượt đuổi Trung để đánh. Mặc dù ba bị cáo không có ý định tước đoạt mạng sống của Trung nhưng hành vi nhiều người cầm cây rượt đuổi hậu quả làm anh Trung rơi xuống kênh, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra nhưng vẫn bỏ mặc. Vì vậy kiểm sát viên đề nghị phạt Nguyện từ 10 đến 11 năm tù, hai bị cáo còn lại 8-9 năm tù về tội giết người.

Tranh luận, luật sư của ba bị cáo cho rằng các bị cáo chỉ phạm tội gây rối trật tự công cộng. Luật sư đồng ý với gia đình nạn nhân là cho tới thời điểm này vẫn chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân. Cụ thể theo hồ sơ, nạn nhân chết là do ngạt nước. Các bị cáo chỉ rượt đuổi để đánh dằn mặt, đây không phải là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết. Đoạn đường đuổi Trung là thẳng, không nhất thiết nạn nhân phải chạy qua cầu khỉ. Thấy nạn nhân nhảy xuống kênh nhưng không thấy ngoi lên không thể nào nói là chết đuối vì dưới sông mực nước chỉ có khoảng 1 m

Cuối cùng tòa nhận định: Ba người rượt một người bằng mô tô một đoạn đường dài nên hoảng sợ quá nạn nhân mới chạy vào cầu khỉ, nhảy xuống sông. Mặc dù các bị cáo không đánh bị hại và bị hại chết là ngoài ý muốn nhưng nếu các bị cáo không rượt đuổi đến cùng thì nạn nhân đã không chết. Gia đình nạn nhân cho rằng các bị cáo dùng dây xích siết cổ là không có căn cứ. Từ đó, tòa phạt các bị cáo mức án như đã nói và buộc các bị cáo bồi thường cho gia đình nạn nhân 95 triệu đồng.

Đánh chết rồi quăng xuống kênh?

Ông Hứa Vĩnh Đạt (cha của nạn nhân Trung) cho biết ông từng làm đơn kiến nghị các cơ quan chức năng làm rõ cái chết của con trai ông. Ông cho biết trước đó Trung không hề quen biết hay có mâu thuẫn với ba bị cáo này. Hôm xảy ra vụ việc, Trung đi đổi vỏ bia và có nhờ một người bạn chở đi. Đến quán thì thấy ba bị cáo đang ngồi nhậu. Ba bị cáo vốn sẵn có mâu thuẫn với người bạn của Trung nên mới thấy mặt đã gây gổ và đánh nhau với người bạn này và đánh cả Trung. Trung xuống vỏ lãi chạy về vuông tôm của người cậu. Sau đó, người dượng đã chở Trung đến quán nhậu để hỏi đầu đuôi nhưng lúc này các bị cáo đã về. Người dượng chở Trung về, trên đường về thì bị nhóm bị cáo chặn đánh ba lần. Gia đình gọi điện thoại cho Trung thì thấy chuông reo nhưng không bắt máy…

Ông Hứa Vĩnh Đạt - cha nạn nhân Trung và hiện trường nơi gia đình phát hiện xác Trung. Ảnh: PL

Trong đơn, ông Đạt nêu: “Trung bị đánh tại ba vị trí: Ngay quán đến trả vỏ bia, tại cống gần nhà của bị cáo Lâm và lần thứ ba là gần cây cầu khỉ, nơi phát hiện Trung chết”. Theo ông Đạt, trong khi đi tìm con, ông gặp trưởng Công an xã Vĩnh Mỹ A đang cầm điện thoại của Trung, ông hỏi: “Con tôi đâu?”. Vị công an này trả lời: “Con ông lội kênh về rồi”. Gia đình đi tìm khắp nơi nhưng không thấy. Một người phụ nữ nhà ngay sát bên cây cầu chỉ xuống kênh nói với ông: “Trung đã bị giết rồi vứt xác chỗ đó”. Gia đình xuống chỗ vừa chỉ thì đụng ngay xác Trung.

“Ngày con tôi chết là 15-10-2012, tức ngày 1-9 âm lịch. Hôm đó là ngày nước ròng, mực nước nơi sâu nhất chỉ khoảng 1 m. Nếu con tôi thực sự nhảy xuống kênh thì cũng không thể chết ngạt nước được bởi nó là dân làm vuông, bơi lội rất giỏi, không thể vừa rơi xuống đã chết ngay tại vị trí rơi được. Nhiều người gần nơi xảy ra án mạng nói với tôi họ trông thấy con tôi bị đánh chết rồi ném xuống kênh. Tuy nhiên, khi tôi nhờ họ ra tòa làm chứng thì họ lại sợ...” - ông Đạt trình bày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới