Rút kinh nghiệm 1 vụ tòa tuyên nhưng không thể thi hành án

(PLO)- Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị đơn thu hồi và tiêu hủy tất cả các sản phẩm thuốc vi phạm, trong khi phần lớn số thuốc này đã được lưu thông, tiêu thụ nhiều nơi, không thể thu hồi nên không thể thi hành án.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây (29-3), VKSND Tối cao ban hành thông báo số 58 rút kinh nghiệm kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ.

Trong thông báo nêu một số vụ án có sai phạm cần rút kinh nghiệm, trong đó có vụ án tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ và sáng chế giữa nguyên đơn là Công ty MSD với bị đơn là Công ty DVP.

Nội dung vụ án

Tháng 9-2014, Công ty MSD phát hiện các sản phẩm thuốc của Công ty ĐVP có tên gọi Zlatko-100 và Zlatko-50 có chứa hợp chất chính Sitagliptin phosphat monohydrat thuộc phạm vi bảo hộ Bằng Độc quyền sáng chế (ĐQSC) số 7037 của Công ty MSD.

không thể thi hành án
Thông báo số 58 của VKSND Tối cao. Ảnh: YC

Công ty MSD đã trưng cầu giám định. Ngày 22-10-2014, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ Việt Nam có kết luận: nội dung thể hiện sản phẩm thuốc chứa hợp chất Sitagliptin phosphate monohydrate cũng chính là hoạt chất của sản phẩm thuốc Zlatko-100 và Zlatko-50 là trùng lặp đối với Sáng chế số 7037. Đồng thời, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành thanh tra kết luận Công ty ĐVP xâm phạm quyền đối với Bằng ĐQSC số 7037. Vì vậy, Công ty MSD khởi kiện yêu cầu Công ty ĐVP chấm dứt hành vi xâm phạm đối với sáng chế, bồi thường thiệt hại, thu hồi thuốc, công khai xin lỗi...

Xử sơ thẩm hồi 12-2019, TAND tỉnh BD chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Sau đó, VKSND tỉnh BD kháng nghị, bị đơn kháng cáo yêu cầu hủy bản án sơ thẩm.

Xử phúc thẩm tháng 7-2020, TAND Cấp cao tại TP. H chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh BD, chấp nhận kháng cáo của bị đơn, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

Các vấn đề cần rút kinh nghiệm

Theo VKSND Tối cao, tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào chứng cứ chủ yếu để xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là kết luận giám định của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ Việt Nam do nguyên đơn trưng cầu là thiếu cơ sở, không khách quan, không xem xét toàn diện vụ án.

Bởi vì, kết luận giám định này có những vi phạm, thiếu sót như: Công ty MSD yêu cầu giám định nhưng không cung cấp mẫu giám định là vi phạm Điều 48 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005).

Kết luận giám định này không giám định được tính trùng lắp hoặc tương đương giữa sản phẩm của bị đơn và điểm được bảo hộ thuộc Bằng ĐQSC số 7037 do không thu được mẫu vật để giám định.

Mặt khác, bị đơn không đồng ý với kết luận giám định này, yêu cầu giám định lại nhưng tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận là vi phạm khoản 2 Điều 92 và Điều 102 BLTTDS năm 2015.

Cạnh đó, theo VKSND Tối cao, bản án phúc thẩm này còn vi phạm khi tòa án tuyên án nhưng không thể thi hành được.

Cụ thể, tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc bị đơn Công ty ĐVP thu hồi và tiêu hủy tất cả các sản phẩm thuốc Zlatko, trong khi phần lớn số thuốc này đã được lưu thông, tiêu thụ nhiều nơi, không thể thu hồi được nên không thể thi hành án được. Đây là một trong những lý do bản án phúc thẩm phải hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm