VKSND Tối cao vừa ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án tranh chấp thừa kế giữa nguyên đơn là ông C với bị đơn là ông T.
Theo ông C, ông bà ngoại của ông là vợ chồng cụ H (đều đã chết) có 10 người con. Năm 1963, cha của cụ H (ông cố của ông C) tặng cho cụ H nhà đất tại TP M. Sau khi cụ H chết thì ông T (con cụ H) quản lý, sử dụng toàn bộ nhà đất này.
Nay ông C khởi kiện yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản của vợ chồng cụ H.
Bị đơn là ông T cho rằng cụ H lập di chúc để ông T thừa kế nhà đất trên. Năm 2014, cụ H chết, ông T là người quản lý, sử dụng toàn bộ nhà đất này. Đến nay, ông T chưa khai nhận thừa kế di sản theo di chúc của cụ H là do các anh chị em của ông T tranh chấp
Nay ông C khởi kiện yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với nhà đất trên ông T không đồng ý. Ông T chỉ đồng ý chia thừa kế theo pháp luật đối với ½ nhà đất, còn lại ½ nhà đất ông T yêu cầu được hưởng theo di chúc cụ H.
Xử sơ thẩm năm 2020, TAND TP M công nhận nhà đất là của vợ chồng cụ H. Công nhận di chúc của cụ H lập cho ông T là di chúc hợp pháp. Từ đó, tòa chia thừa kế cho các đồng thừa kế, trong đó ông C được hưởng di sản là 16/220, ông T được hưởng di sản 76/220... Tòa còn buộc vợ chồng ông T di dời đến nơi khác để kinh doanh, di dời toàn bộ vật dụng trong nhà và giao nhà đất cho người mua được nhà qua thủ tục bán đấu giá...
Sau khi xét xử sơ thẩm, ông T kháng cáo yêu cầu được sở hữu toàn bộ nhà, đất và sẽ hoàn lại chi phí khác cho nguyên đơn....
Xử phúc thẩm TAND Cấp cao tại TP M không chấp nhận kháng cáo của ông T, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Không đồng tình, ông T làm đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm. Ngày 28-11-2023, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã hủy cả hai bản án để xét xử sơ thẩm lại.
Theo VKSND Tối cao, tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm nhận định các đồng thừa kế ai cũng yêu cầu được nhận nhà để làm nơi thờ cúng ông bà, cha mẹ nhưng các đồng thừa kế đều không thỏa thuận được về người nhận hiện vật, giá trị hiện vật. Từ đó, quyết định bán đấu giá nhà đất để chia giá trị theo kỹ phần cho các đồng thừa kế là không có căn cứ. Vì những người thừa kế khác đã có chỗ ở ổn định, chỉ đề nghị nhận nhà làm nơi thờ cúng, còn ông T đang trực tiếp sinh sống tại nhà, đất này nên cần giao nhà, đất cho ông T để ổn định cuộc sống. Việc bán đấu giá nhà để chia giá trị cho những người thừa kế sẽ làm xáo trộn cuộc sống của ông T phải tìm nơi ở mới.
Cạnh đó, các thừa kế khác được hưởng phần di sản nhỏ không thể chia cho họ bằng hiện vật, nhưng kỷ phần của ông T được hưởng là 76/220 di sản, thêm kỷ phần do một thừa kế khác nhượng lại tổng cộng ông T được hưởng 92/220 di sản, chiếm 41,82% di sản thừa kế của hai cụ. Hơn nữa, ông T cũng đồng ý trả lại giá trị di sản cho những người thừa kế khác.
Do đó, tòa án sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm không chia di sản thừa kế bằng hiện vật cho ông T là không đúng quy định tại Điều 660 BLDS năm 2015 và không bảo đảm quyền lợi của ông T.