Ngày 12-1, VKSND Tối cao ban hành Văn bản số 186/VKSTC-V11 giải đáp hướng dẫn về khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát thi hành án hành chính, dân sự.
Theo văn bản, VKSND địa phương cho rằng bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính là căn cứ phát sinh trách nhiệm theo dõi thi hành án hành chính (THAHC) và tổ chức thi hành các khoản án phí của cơ quan THADS. Nhưng hiện nay, việc chuyển giao bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính sang cơ quan THADS theo Điều 196, Điều 244 của Luật TTHC và Điều 28 của Luật THADS chưa được toà án thực hiện nghiêm túc.
Trả lời, VKSND Tối cao cho rằng theo Điều 309 Luật TTHC, những bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật phải được tổ chức thi hành theo đúng trình tự, thủ tục. Tòa án cấp sơ thẩm, tòa án cấp phúc thẩm, HĐXX giám đốc thẩm trong phạm vi trách nhiệm của mình phải có trách nhiệm chuyển giao bản án, quyết định về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật cho đương sự, VKS cùng cấp, cơ quan THADS có thẩm quyền...
VKSND các cấp căn cứ quy định của pháp luật để kiểm sát việc chuyển giao bản án, quyết định của tòa án, kịp thời phát hiện vi phạm của toà án trong việc chuyển giao bản án, quyết định để thực hiện quyền kiến nghị, yêu cầu tòa án chấn chỉnh, khắc phục vi phạm.
Cạnh đó, theo VKSND địa phương, tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 71 (quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án) quy định việc tự nguyện THAHC, nhưng chưa quy định cụ thể trong thời hạn tự nguyện THA, người phải THA phải thi hành xong nghĩa vụ theo nội dung bản án, quyết định của toà án hay chỉ cần thi hành được một trong các bước để thi hành bản án, quyết định.
Theo VKSND Tối cao, hiện nay, Luật TTHC và Nghị định 71 chưa quy định cụ thể trong thời hạn tự nguyện THA, người phải THA phải thi hành xong nghĩa vụ theo nội dung bản án, quyết định của toà án hay chỉ cần thi hành được một trong các bước để thi hành bản án, quyết định của toà án.
Thực tiễn thi hành các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính cho thấy, việc chấp hành các bản án, quyết định này của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, trong nhiều trường hợp, thực chất là việc thực hiện một quy trình quản lý hành chính để ban hành một quyết định hành chính, hành vi hành chính mới thay thế quyết định hành chính, hành vi hành chính đã bị tòa án tuyên hủy hoặc tuyên trái pháp luật. Do đó, thường mất nhiều thời gian để thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và trong thời gian tự nguyện THA. Người THA thường chỉ triển khai được một hoặc một vài bước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo nội dung phán quyết của tòa án trên cơ sở quy định của pháp luật quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực phát sinh tranh chấp.
Như vậy, khi chứng minh được người phải THA đã triển khai một hay một số bước thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhằm tổ chức THAHC trong thời hạn tự nguyện THA thì được coi là “tự nguyện THA” theo khoản 2 Điều 311 Luật TTHC nêu trên. Cơ quan THADS cần theo dõi và VKS thực hiện kiểm sát THAHC đảm bảo việc tổ chức THAHC kịp thời, hiệu quả, đúng quy định.
Thế nào là chậm thi hành án?
Về thắc mắc theo khoản 6, khoản 7 Điều 3 Nghị định số 71 thì “chậm thi hành” hoặc “không chấp hành bản án, quyết định của tòa án” phải là hành vi “cố ý” thì mới xác định là vi phạm. Thực tế không có tiêu chí đánh giá việc cố ý chậm thi hành hoặc không THAHC, cho nên VKS gặp khó khăn trong việc xác định vi phạm để kiến nghị.
Giải đáp, VKSND Tối cao cho rằng về nguyên tắc, khi bản án, quyết định của toà án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật và nội dung đã tuyên rõ thì mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan buộc phải chấp hành.
Luật Tố tụng hành chính (Điều 311 và 312), Nghị định 71 (Điều 10, 11 và 12) đã quy định rõ thời hạn tự nguyện THAHC và thời hạn thi hành quyết định buộc THAHC. Do đó, nếu quá thời hạn quy định mà người phải THAHC không thực hiện và không chứng minh được do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến chậm THA, không THA hoặc THA không đầy đủ thì đều xác định là vi phạm với lỗi “cố ý”.
Khi kiểm sát THAHC, phát hiện vi phạm của người phải THAHC về việc chậm THA, không THA hoặc THA không đầy đủ thì VKS kịp thời thực hiện quyền kiến nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm...