Rút kinh nghiệm vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất của dòng họ

(PLO)- VKSND Cấp cao tại Hà Nội đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất bị cấp giám đốc thẩm hủy án.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25-1 vừa qua, VKSND Cấp cao tại Hà Nội đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất bị cấp giám đốc thẩm hủy án. Đó là vụ án giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Trang và bị đơn là ông Nguyễn Huy Khường.

Tranh chấp quyền sử dụng đất
Hình minh họa

Theo hồ sơ, cụ Nguyễn Huy Quỳ (đã chết) là Trưởng tộc của dòng họ Nguyễn Huy nên được giao quản lý, trông coi toàn bộ đất và tài sản gắn liền với đất của dòng họ Nguyễn Huy tại xã Thanh An, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Bà Trang là vợ của ông Nguyễn Huy Bằng (đã chết, là con của cụ Quỳ) đã ở tại phần đất nói trên. Năm 1980, vợ chồng cụ Quỳ giao lại cho vợ chồng bà Trang quản lý toàn bộ đất đai của dòng họ Nguyễn Huy. Năm 1993, ông Bằng đã được UBND tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) đối với thửa đất có nguồn gốc của dòng họ Nguyễn Huy với diện tích 1.507m².

Năm 2005, vợ chồng bà Trang và dòng họ Nguyễn Huy thỏa thuận tách 820m² đất trong tổng số 1.507m² đất cho dòng họ nhưng dòng họ Nguyễn Huy không đồng ý và khiếu nại về việc cấp GCN.

Năm 2012, UBND huyện Thanh Hà ra quyết định thu hồi GCN đã cấp cho ông Bằng. Không đồng ý, ông Bằng khởi kiện vụ án hành chính. Tuy nhiên, TAND huyện Thanh Hà đã quyết định giữ nguyên quyết định thu hồi của UBND huyện.

Do đó, bà Trang khởi kiện đề nghị buộc dòng họ Nguyễn Huy trả lại 210m² đất của hộ gia đình bà bị trừ khi giao đất nông nghiệp trồng cây hàng năm vào phần đất có nguồn gốc của dòng họ Nguyễn Huy và đền bù công sức quản lý, duy trì, tôn tạo đất. Bà yêu cầu tính bằng hiện vật 200m² đến 300m² đất vì ngoài chỗ ở tại thửa đất đang tranh chấp bà không còn chỗ ở nào khác. Nếu phần đất mà bà được giao có tài sản của dòng họ Nguyễn Huy thì bà xin hưởng bằng hiện vật và trả giá trị bằng tiền.

Xử sơ thẩm năm 2021, TAND huyện Thanh Hà chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Trang buộc bị đơn trả lại cho bà Trang 210m² đất nông nghiệp trồng cây hàng năm trị giá hơn 1,2 tỷ đồng. Đồng thời buộc ông Khường và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về phía bị đơn (dòng họ Nguyễn Huy) trích trả 190m² đất cho bà Trang được quyền quản lý, sử dụng... Ông Khường và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về phía bị đơn (dòng họ Nguyễn Huy) tiếp tục quản lý, sử dụng hơn 1.000 m² đất và các tài sản trên phần đất được giao.

Xử phúc thẩm năm 2022 xét kháng cáo của bị đơn, TAND tỉnh Hải Dương sửa bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của bà Trang về việc buộc dòng họ Nguyễn Huy trả công sức quản lý, duy trì đất mà chỉ chấp nhận trả công tôn tạo đất cho bà Trang là 5 triệu đồng.

Sau xét xử phúc thẩm, phía dòng họ Nguyễn Huy có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Tháng 11-2022, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Hà Nội đã kháng nghị giám đốc thẩm. Sau đó, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã huỷ bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại.

Những vấn đề rút kinh nghiệm

Theo VKSND Cấp cao tại Hà Nội, vụ án trên về đánh giá chứng cứ và xác định trách nhiệm dân sự không đúng.

Cụ thể, căn cứ vào các lời trình bày của đương sự và các tài liệu, chứng cứ cho thấy năm 1980, cụ Quỳ giao cho ông Bằng tiếp tục sử dụng cho đến nay. Kết quả xác minh tại UBND cho thấy thực tế diện tích đất ngoài đồng ông Bằng, bà Trang chỉ còn thiếu 175m² chứ không phải thiếu 210m² như tòa án hai cấp đã nhận định.

Cạnh đó, do ông Bằng kê khai nguồn gốc đất không đúng và Hội đồng cấp GCN năm 1992, Hội đồng đổi cấp GCN năm 2002 xã Thanh An thiếu kiểm tra, rà soát dẫn đến cấp cả diện tích đất nhà thờ của dòng họ Nguyễn Huy cho hộ ông Bằng và cấp thiếu đất giao cho hộ gia đình ông Bằng, bà Trang.

Vì vậy, việc tòa án hai cấp buộc ông Khường và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các thành viên trong dòng họ Nguyễn Huy trả lại cho bà Trang 210m² đất nông nghiệp trồng cây hàng năm là không đúng, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của dòng họ Nguyễn Huy.

Về trích công sức tôn tạo, gia đình bà Trang đã ở và sử dụng nhà đất từ năm 1954 cho đến nay, có công sức trông nom, quản lý tài sản của nhà thờ họ Nguyễn Huy nên dòng họ Nguyễn Huy phải trả lại cho nguyên đơn công sức quản lý, duy trì, tôn tạo thửa đất. Do đó, bản án phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, không buộc bị đơn ông Nguyễn Huy Khường và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về phía bị đơn (dòng họ Nguyễn Huy) trích trả 190m² đất cho bà Trang là có căn cứ, nhưng chỉ ghi nhận sự tự nguyện của dòng họ Nguyễn Huy trả công tôn tạo đất cho bà Trang là 5 triệu đồng là chưa đảm bảo quyền lợi cho gia đình bà Trang.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm