Trưởng Phòng CSGT Hà Nội vừa đề xuất rút ngắn thời hạn của giấy phép lái xe (GPLX) ô tô từ 10 năm xuống năm năm, đồng thời cấp điểm cho các tài xế để phục vụ việc xử phạt.
Rút ngắn một nửa thời hạn giấy phép lái xe
Ngày 9-2, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT (PC67, Công an TP Hà Nội), đã có hai đề xuất: Cấp điểm cho tài xế và rút ngắn thời hạn của GPLX ô tô. Đại tá Thắng cho rằng đây là một trong những giải pháp giúp nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Theo đó, mỗi tài xế khi làm thủ tục cấp GPLX sẽ được cơ quan chức năng cấp kèm theo 10 điểm. Số điểm này gắn liền với tài xế đó, mỗi lần vi phạm sẽ bị trừ điểm. Số điểm trừ tương ứng với mức độ của lỗi vi phạm. Quy định này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng.
“Ví dụ anh gây tai nạn chết người, ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự, anh sẽ bị trừ một số điểm, có thể là 3 hoặc 5 gì đó; hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể tước giấy phép vĩnh viễn. Việc này sẽ được nghiên cứu và cân nhắc sao cho thang điểm và lỗi vi phạm hợp lý nhất” - Trưởng phòng PC67 Hà Nội nói. Sau mỗi lần vi phạm, số điểm của tài xế sẽ bị mất dần. Đến khi số điểm này về 0, lực lượng chức năng sẽ tịch thu bằng lái. Khi đó tài xế bắt buộc phải tham gia khóa học luật giao thông, đi thi và sát hạch lại từ đầu.
Ngoài ra, Đại táThắng còn đề xuất rút ngắn thời hạn của bằng lái xe ô tô từ10 năm xuống còn năm năm, đồng thời mỗi năm phải kiểm tra sức khỏe của tài xếđịnh kỳ một lần. Theo trưởng Phòng PC67 Hà Nội, thời hạn của bằng lái ô tô hiện nay là 10 năm, như vậy là quádài. Trong thời gian này, tài xếcó thể ốm đau hoặc thương tật dẫn đến việc không đảm bảo sức khỏe đểlái xe, từ đó gây ra những hệlụy khó lường, thậm chílànguyên nhân gây ra các vụ TNGT.
Một tài xế ký biên bản xử phạt vì chở hàng quá tải. Ảnh: L.ĐỨC - H.TUYÊN
Gây phiền hà cho người dân
Trao đổi về vấn đề trên, một cán bộ Bộ GTVT cho biết về đề xuất rút ngắn thời hạn GPLX đây là vấn đề không mới. Trước đó, trong quá trình soạn thảo Thông tư 58/2015 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch cấp GPLX cơ giới đường bộ, các cơ quan chức năng đã đề cập rất nhiều. Cuối cùng các bên thống nhất thời hạn GPLX đối với hạng B1, A4 và B2 là 10 năm. “Nếu rút xuống năm năm sẽ tốn kém về kinh phí, rườm rà về thủ tục. Hơn thế, số người bị ảnh hưởng sức khỏe trong vòng 10 năm cũng không nhiều. Chúng ta nên chọn cách làm nào thuận lợi cho dân chứ không nên ép dân, sẽ gây phản ứng…” - vị này nói.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, bày tỏ sự không đồng tình với đề xuất rút ngắn thời hạn GPLX. Theo ông Thanh, hiện nay các doanh nghiệp vận tải đều phải khám sức khỏe đầy đủ cho lái xe hằng năm. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng thường xuyên đi kiểm tra, thậm chí là kiểm tra đột xuất trên đường và nếu lái xe nào vi phạm sẽ bị xử lý, hình thức nặng nhất là tước GPLX. Vì vậy việc rút ngắn thời gian cấp GPLX sẽ gây phiền hà, tốn kém không cần thiết cho người dân.
“Thủ tướng đang ra sức giảm thủ tục hành chính mà chúng ta cứ bày ra thủ tục hành chính để làm khó dân như thế là chưa phù hợp. Người dân sẽ tự lo sức khỏe, tính mạng của mình nên các cơ quan chức năng cũng không phải lo thay cho dân” - ông Thanh nhấn mạnh.
Ba vấn đề cốt lõi Các nhà làm luật cần phải tính toán một cách kỹ lưỡng. Bởi chưa có thống kê nào chỉ rõ nguyên nhân của TNGT là do những người sử dụng GPLX trên năm năm nhiều hơn những người sử dụng GPLX dưới năm năm. Trong khi đó, thủ tục cấp đổi GPLX hiện khá phức tạp, nhiều khi cơ quan cấp đổi ở xa nơi cư trú của người có GPLX, công nghệ thông tin trong việc cấp đổi GPLX chưa đồng bộ... Tôi cho rằng sự đồng bộ về cơ sở vật chất, nhận thức pháp luật của người dân và năng lực của cán bộ liên quan đến giao thông là ba vấn đề cốt lõi cần phải giải quyết triệt để khi muốn giảm thiểu được TNGT và tắc đường như hiện nay. Luật sư NGUYỄN VĂN HÂN, Đoàn Luật sư Hà Nội |