Ngư dân huyện Cần Giờ, TP.HCM khẳng định cứ màn đêm buông xuống, hàng chục tàu khai thác cát lậu công suất lớn lại ào ra biển để “kiếm ăn”, tạo nên một “sa trường” của riêng họ.
Một chiều tháng 5-2019, men theo con đê ở xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP.HCM, chúng tôi thấy nhiều mảnh lưới đánh cá rách tả tơi, bị sóng đánh dạt vào bờ đê. Đây là những gì còn sót lại sau các trận “va chạm” giữa tàu cá của ngư dân và tàu khai thác cát.
Nhiều ngư dân địa phương đưa mắt ra phía biển, chỉ cho chúng tôi những khu vực mà các tàu cát lậu thường neo đậu. Thấy đằng xa có tàu công suất lớn đi ngang, các ngư dân khẳng định chắc nịch đó là tàu cát. Lý do, họ đã quá quen với những con tàu này bởi hầu như mỗi lần ra biển là mỗi lần đụng mặt.
Gặp chúng tôi, anh Lê Hữu L. (31 tuổi) buồn rầu than mới bị mấy tàu cát “càn” trên biển Cần Giờ cách đây nửa tháng khiến 120 lưới đánh cá của anh hư hỏng hoàn toàn.
Anh L. kể lại, khoảng 21 giờ một ngày tháng 4-2019, sau khi đến ngư trường có cá thì anh thả toàn bộ lưới xuống rồi thả nổi tàu đợi cá dính lưới. Ngư cụ của anh dài khoảng 8-10 m, được may thành dạng khung hình chữ nhật, bên trong có hom để bắt cá. Tuy nhiên anh không dám chợp mắt vì phải canh chừng tàu cát đến quấy phá.
Khoảng vài chục phút sau thì hai tàu cát đến, thả ống xuống nước để hút cát. Anh L. xua đuổi tàu này dạt ra thì tàu kia lại đến bơm. “Rồi phút chốc, dàn lưới của tôi cái bị hút mất, cái thì đứt từng khúc, trôi dạt trên biển. Xót của, tôi la hét chửi bới nhưng chúng không coi ra gì, lát sau hút xong mới tắt đèn chạy đi luôn. Tôi mới phải vay mượn khắp nơi để sắm lại dàn lưới với giá hơn 60 triệu đồng. Trong thời gian chờ sắm lưới mới, tôi đành ở nhà nửa tháng, nhìn vợ con nheo nhóc mỗi ngày mà đứt từng khúc ruột” – anh L. thở dài.
Đây không phải lần đầu anh L. gặp sự cố như vậy. Trước đó anh cũng từng vài lần bị tàu cát phá lưới nhưng thiệt hại chỉ dăm ba triệu đồng. Anh L. kể tiếp: “Anh em đi biển bị nhiều lắm, không chỉ riêng mình tôi. Thức đêm thức hôm đi lưới đã cực, nhưng khổ nhất là phải canh chừng để đuổi tàu cát. Mà phải thức sáng đêm vì chúng ra rất bất chợt, có khi 6-7 giờ tối đã ra, cũng có lúc 1-2 giờ sáng mới xuất hiện. Chúng ra từng tốp, từng tốp, đỉnh điểm đông nhất chắc phải 50-70 tàu, có khi cả trăm tàu. Kinh hoàng lắm”.
Thấy chúng tôi hoài nghi về câu nói “cả trăm tàu”, ngư dân Nguyễn Minh T. (49 tuổi) khẳng định chắc nịch: “Cô không tin cứ thử một lần theo chúng tôi ra biển ban đêm xem, sẽ thấy chúng quậy phá tanh bành vùng biển của chúng ta như thế nào. Cô không tưởng tượng được đâu, chúng đông khủng khiếp, quần lại thành từng đám, không đèn đuốc gì hết, lù lù như những bóng ma giữa biển. Riết ngư dân tụi tôi ra ngư trường đánh cá mà cứ tưởng đây là sa trường của riêng chúng nó vậy đó”.
Mang nỗi bức xúc vì cũng từng nhiều lần bị tàu cát vây, làm hư ngư cụ, anh T. bất bình nói: Chúng khai thác cát ngay đường lưới của mình, ống hút cát hút luôn cả lưới. Ngư dân ít người nên bọn chúng không coi ra gì. Thậm chí có những ngư dân phản ứng dữ quá đã bị tàu cát “vô tình” đụng bể ghe.
“Tôi bị mất lưới hoài nhưng chỉ biết nóng ruột la hét một hồi chứ đâu làm được gì được. Sáp lại chỗ chúng thì không được, chẳng khác nào trứng chọi đá vì tàu mình nhỏ chỉ dài hơn 10m, bằng gỗ, còn chúng tàu sắt công suất lớn dài mấy chục mét. Có lần tức quá tôi ném đồ loạn xạ qua tàu nó, rồi cũng đành cam chịu về nhà sắm lưới mới thôi. Chứ biết kêu ai bây giờ” – anh L. chưa hết ấm ức.
Theo anh T., rất nhiều tàu cát hoạt động trên biển Cần Giờ đi từ vùng biển Vũng Tàu ra, tốp này về tốp khác ra. Có hôm 2-3 giờ sáng anh giong tàu ra biển đánh mẻ cá sớm thì thấy ngư trường quen thuộc giờ đã thành sa trường. Lúc đó, anh chỉ biết tìm chỗ nào vắng vẻ nhất để thả lưới, mong kiếm được ít cá.
“Có vụ chúng tôi trình báo lực lượng biên phòng của Vũng Tàu, họ hỏi biển số tàu cát là bao nhiêu nhưng chúng đi trộm cắp nên có gắn biển số đâu mà thấy” – anh T. than vãn.
Ngư dân Phạm Văn A. do bất bình với nạn sa tặc nên đã trở thành bạn đồng hành với bộ đội biên phòng địa phương để chống vấn nạn này. Cụ thể, khi ở trên biển, phát hiện tàu hút cát, anh T. đều báo về cho biên phòng. Còn khi đang ở nhà, nếu nghe nói có sa tặc, anh sẵn sàng dùng tàu cá của mình để đưa lực lượng chức năng vây bắt.
“Cuộc đời của mình đã gắn liền với biển rồi, tàu mình lại có công suất lớn hơn, thường mưu sinh vào ban đêm nên hỗ trợ được biên phòng thoát khỏi tai mắt của sa tặc. Anh em biên phòng nếu không có kinh nghiệm đi biển sẽ dễ mắc vào cồn, hư chân vịt, bánh lái, thậm chí còn bị tai nạn chìm thuyền,…” – anh A. nói.
Nhiều người nói anh lo chuyện bao đồng, anh chỉ mỉm cười. “Nhiều lần anh em đi biển gặp tàu cát hút hết ngư cụ đều gọi cho mình khóc, nhờ mình báo với biên phòng, đòi lại công bằng cho họ. Nghe mà thương lắm” – anh A. giải thích lý do anh quyết tâm chống sa tặc.
Với kinh nghiệm của người đã làm nghề đánh cá được 27 năm, anh A. khẳng định, chỉ cần đứng trên bờ, nhìn ra biển thì tàu nào là tàu cát anh đều nhận ra. “Tôi đối mặt với chúng mỗi lần đi biển, tàu chở cát chạy thế nào, trên tàu gắn phương tiện hút có hình hài ra sao, tôi nhìn cái là biết” – anh A. chắc nịch.
Mỗi chuyến khai thác cát như vậy, chúng thu được cả trăm triệu nên nếu bị bắt giữ chỉ phạt vài chục triệu thì không ăn thua. Hơn nữa chúng đi cả trăm chuyến may ra mới bị bắt một chuyến. Biên phòng bắt bữa nay, ngày mai chúng cũng ra bình thường thôi. Phải phạt nặng hơn, thậm chí tịch thu cả cái tàu may ra chúng mới sợ” – Anh A. nói.