Sáng 9-9, tại TP.HCM đã diễn ra tọa đàm Điêu khắc trong không gian công cộng tại TP.HCM, tọa đàm do Bộ VH-TT&DL cùng UBND TP.HCM phối hợp tổ chức.
Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, đã mở đầu tọa đàm bằng mong muốn TP.HCM sẽ là nơi thí điểm những không gian đặt các tượng một cách nghệ thuật mà không phá vỡ không gian kiến trúc vốn có.
Thành phố chỉ đáp ứng được 3% nhu cầu tượng
Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định: “TP.HCM thiếu một Quy hoạch tượng đài TP.HCM, đây là khiếm khuyết của TP nhiều nhiệm kỳ qua mà chưa làm được”. Ông Thuận cho rằng lý do chưa đưa ra được quy hoạch tượng đài bởi hiện tại điêu khắc TP chưa có tác phẩm đạt yêu cầu. “Tượng đài hiện hữu trên TP chỉ mới đáp ứng được khoảng 3% nhu cầu thực tế. Chủ yếu được tiếp nhận từ trước giải phóng với những tượng đài về lịch sử, còn tượng đài mới không nhiều. TP thiếu nghiêm trọng các tác phẩm điêu khắc về văn hóa” - ông Thuận chia sẻ.
Một trong những lý do khiến TP chưa có tượng đài, theo họa sĩ Uyên Huy: “Trong 40 năm qua (kể từ năm 1975), chúng ta chỉ dốc sức cho sáng tác, xây dựng loại tượng đài cách mạng trong khi quy hoạch đô thị chưa ổn định; ít quan tâm đến các loại tượng, tượng đài có nội dung phong phú khác”.
Từ sự thiếu hoạch định này nên gần như mảng điêu khắc trong không gian đô thị của TP.HCM bị bỏ trống, bỏ trống cả tác phẩm lẫn bỏ trống các công trình nghiên cứu về nó. Nhìn lại lịch sử tượng, tượng đài trên địa bàn TP.HCM, hiện TP có 50 công trình tượng, tượng đài, trong đó 10 tác phẩm từ trước 1975 và 40 tác phẩm mới xây dựng suốt 40 năm qua.
Và dù “có đến 50 công trình điêu khắc hoành tráng hiện hữu nhưng chúng ta có rất ít các công trình được đặt ở những quảng trường, vườn hoa công cộng trung tâm TP để làm điểm nhấn biểu trưng cho nét văn hóa, thẩm mỹ của đô thị. Hầu hết công trình đều được xây ở những di tích lịch sử thuộc các quận, huyện, ngoại ô, khuôn viên bảo tàng, trường học…” - nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên nói.
Cùng với tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, thành phố mong chờ từ trại sáng tác điêu khắc quốc tế TP.HCM 2015 sẽ mang đến phố đi bộ Nguyễn Huệ thêm nhiều tượng mỹ thuật phù hợp với cảnh quan của phố đi bộ. Ảnh: HTD
Nhiều không gian… chờ tượng đẹp
Ông Hứa Ngọc Thuận cho rằng hiện TP đang có nhiều không gian cho điêu khắc. “Tại Công viên 23-9, cụm tượng ở đây sẽ là gì? Công viên trước rạp xiếc là cụm tượng ra sao? Rồi trong năm 2017-2018 khi cảng Ba Son di dời, phố đi bộ sẽ kéo dài ra, 30 ha quảng trường Thủ Thiêm… những nơi đây sẽ là những không gian cho điêu khắc phát huy” - ông Thuận nói.
Cần có những tác phẩm điêu khắc để có thể đặt để vào những không gian có sẵn như ông Thuận nêu là đòi hỏi lớn, vì thế trong năm nay TP sẽ mở trại sáng tác điêu khắc để tìm kiếm nguồn tượng cho các không gian sẵn có của TP. Nhưng thực tế, TP.HCM cũng từng có trại sáng tác nghệ thuật điêu khắc quốc tế vào năm 2012 nhưng sau bế mạc thì toàn bộ tượng được dồn ứ lại trong khuôn viên Công viên Tao Đàn chứ không được sống trong không gian đô thị. “Các công viên còn vắng tượng nhưng khu vườn tượng trong Công viên Tao Đàn lại giống như một triển lãm hơn là vườn điêu khắc, tượng ở đây ít người xem mà vui chơi giải trí cũng không tiện” - họa sĩ Nguyễn Quân nhận định.
Còn điêu khắc gia Trần Lâm cho rằng tại các nước, sau mỗi đợt trại sáng tác thường có một triển lãm mở cho công chúng thưởng ngoạn và ý kiến trước khi quyết định đặt tượng ở đâu. “Sau khi triển lãm xong, không phải tất cả tượng đều được đặt khắp nơi, phải chọn tác phẩm đẹp, giá trị chứ không phải chọn tác phẩm theo tên tuổi tác giả”.
Có thể thấy điêu khắc công cộng của TP.HCM đang ở tình trạng nơi cần tượng lại không có tượng, nơi có tượng thì không biết bỏ đâu. Nhưng dẫu sao năm nay TP cũng đã có lưu tâm đến điêu khắc, đến quy hoạch tượng, tượng đài cho TP để thực hiện trại sáng tác điêu khắc 2015. Hy vọng từ trại sáng tác này sẽ lại có những tác phẩm đẹp, phù hợp với không gian Sài Gòn.
Sẽ có những tác phẩm điêu khắc ở phố đi bộ, kênh Nhiêu Lộc… Kết thúc buổi tọa đàm, ông Hứa Ngọc Thuận kết luận: “Bất kỳ tác phẩm điêu khắc nào cũng phải nằm trong không gian kiến trúc tổng thể nên việc phải hiểu không gian kiến trúc là cần thiết với các nhà điêu khắc. Qua tọa đàm này, chúng tôi xin khung lại một số vị trí để các nhà điêu khắc cảm nhận kỹ hơn, đóng góp cho TP những tác phẩm đẹp hơn. Khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, trục Nguyễn Huệ là TP mong muốn có những tác phẩm mỹ thuật gắn với không gian đô thị hiện nay và đây là nơi cả nước về chiêm ngưỡng lãnh tụ. Khu vực bến Bạch Đằng sau khi dời các tàu khách sang vị trí khác, dành bến Bạch Đằng thành không gian du lịch, ngắm cảnh TP nên cần những tác phẩm điêu khắc. Khu vực dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè làm sao có được những tác phẩm mỹ thuật để người dân mỗi chiều đến tập thể dục, dưỡng sinh, hưởng thụ không gian sống cùng môi trường văn hóa. Đại lộ Võ Văn Kiệt cũng sẽ là không gian cho tượng”. Chiều 9-9, các nhà điêu khắc, nhà quản lý văn hóa đã đi khảo sát một số tuyến đường, địa điểm trên địa bàn TP.HCM. Đây là những nơi phù hợp để đặt các tác phẩm điêu khắc. Điểm đến đầu tiên của đoàn khảo sát là Bảo tàng TP.HCM để các nhà điêu khắc hình dung được tổng thể địa lý của TP.HCM trước khi đến từng điểm cụ thể. Sau đó đoàn tiếp tục đến các tuyến phố: Phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố cổ Lê Công Kiều, đại lộ Võ Văn Kiệt, hai khu vực đầu hầm Thủ Thiêm và tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tại TP Huế hay tỉnh An Giang đã từng mở nhiều trại sáng tác điêu khắc và không thành công, ít hiệu quả, đó là kinh nghiệm để TP.HCM thận trọng. Nhưng sự thận trọng đó là để lắng nghe, làm cho tốt chứ không phải lo lắng, thận trọng quá và không làm gì. TP.HCM là nơi có nhiều không gian để đặt các tác phẩm điêu khắc nhưng lại không có những trại sáng tác điêu khắc. TP.HCM cần có trại điêu khắc để có những tác phẩm điêu khắc giúp TP đẹp hơn. Ông VƯƠNG DUY BIÊN, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL |