Sáng nào ông Nguyễn Văn Nhân, 66 tuổi, ngụ 31CT cư xá Bắc Hải, phường 15, quận 10 (TP.HCM) cũng đánh chiếc xe Jeep chạy vòng quanh một số con hẻm ở các cung đường như Lý Thường Kiệt, Thành Thái, Cách Mạng Tháng Tám... để xin quà cho người nghèo. Chiếc xe trang trí bắt mắt bằng những dòng chữ không giống ai như xin mì gói, quần áo cũ, cho đất và quan tài chôn miễn phí ở Củ Chi...
Ăn mày cho người nghèo
Khi chiếc xe đầy quần áo cũ và kha khá mì tôm, gạo thì ông trở về. Cũng có bữa xe trở về trống trơn. Địa chỉ nhà ông đã trở thành nơi những người bán hàng rong, bán vé số, lượm ve chai, chạy xe ôm ghé xin vài gói mì tôm ăn sáng cho đỡ tiền, xin quần áo cũ về cho vợ con và hàng xóm.
Nhiều trong số họ là những người ông quen mặt. Mỗi lần gặp họ ngoài đường, ông đều đon đả mời ghé nhà ông lấy vài ký gạo. Ai không đi được thì ông chạy đến đưa trực tiếp.
Vào trưa các ngày thứ Hai, Tư, Sáu hằng tuần, ông Nhân lại chạy xe máy đến quán cơm 2.000 đồng Lữ Gia (54/21 đường 281 Lý Thường Kiệt) nhận 30 phần cơm để đưa tận tay những người còn bận mưu sinh không kịp đến ăn được.
“Ông vào ăn cơm rồi đi đâu thì đi” - vợ ông, bà Huyền, nói với theo khi thấy ông xách xe máy chở cơm chạy ngang nhà. Hình như lời vợ không lọt vào tai, chiếc xe nổ máy nặng nề chạy mất hút dưới nắng gắt. “Cả đời ổng chỉ mơ ước đi giúp người nghèo thôi. Đến tối thứ Bảy thì ổng đi lấy bánh mì và xôi rồi đi kiếm người nghèo phát. Mưa cũng đi, bệnh cũng đi” - bà Huyền kể.
Ông Nhân (trái) vui mừng nhận 10 thùng mì gói của một người hảo tâm bên chiếc xe Jeep không giống ai. Ảnh: HOÀNG LAN
Chuyện đôi bàn tay trắng
Ông Nhân sinh ra trong gia đình có 10 người con. Lúc hơn 10 tuổi, cứ đến bữa là ông nghe mẹ than thở không có gạo để nấu, ông đã nghĩ dại rồi bỏ nhà ra đi để bớt miệng ăn, lăn lóc bụi đời sống qua ngày. Những năm mới giải phóng, đời sống cơ cực, ông cùng vợ từ Sài Gòn về bờ biển Dinh Cô (Bà Rịa-Vũng Tàu) dựng túp lều tạm quay phim, chụp ảnh nuôi hai con. Khi quay phim ngày càng ế ẩm, ông kéo gia đình về lại Sài Gòn tiếp tục che bạt ở ngoài đường rồi bán bánh mì. Trong thời gian này, ông tham gia đội dân phòng của phường, nhận được giấy khen giữ gìn an ninh Tổ quốc. Năm 1990, trong một lần dạy dỗ tụi giang hồ (phá làng phá xóm ở phường), sợ vợ con bị trả thù khi ở tạm ngoài đường nên ông tìm thuê nhà một bà cụ ở gần đó. Bà cụ cảm mến rồi bán nhà trả góp cho vợ chồng ông với giá rẻ như cho. Căn nhà đó vợ chồng ông hiện đang ở. Nhờ chăm chỉ làm lụng, họ đã dành tiền để cất thêm lầu cho thuê. Có đồng ra đồng vào, ông mua mì gói, gạo, bánh mì phát cho người nghèo.
Năm 2000, ông mua lại chiếc xe Jeep với giá hời là 100 triệu đồng với nhiệm vụ duy nhất là đi quyên góp quần áo cũ, gạo, mì tôm để giúp thêm nhiều người nữa. Mảnh đất 625 m2 ở mé huyện Đức Hòa, Long An giáp Củ Chi ông mua đã được cắt ra bốn mảnh dành cho những người khốn khó an nghỉ. Và ông đang tiếp tục đi kêu gọi những ai khốn cùng khi rời cõi đời không có đất để chôn hãy chỉ họ về đó với ông.
Ông Nhân nói rằng nhớ lại cuộc sống lúc trước, ông vẫn không dám tin mình có được ngày hôm nay. Nếu không có những người tốt cứu giúp thì không biết cuộc đời ông ra sao. Mỗi ngày thấy những con người ngụp lặn mưu sinh như hoàn cảnh của mình thuở hàn vi, ông lại nghe lòng thôi thúc phải làm điều gì đó mang niềm vui cho họ.
Ông kể cho tôi nghe câu chuyện vua Alexander đại đế trước khi chết đã cho triệu tập các quan để truyền đạt ý nguyện cuối cùng của mình rằng đôi bàn tay của vua phải được để thò ra khỏi quan tài lắc lư, đong đưa trên không để cho mọi người thấy rằng chúng ta đến với thế giới này với hai bàn tay trắng và khi rời khỏi thế giới này cũng chỉ có hai bàn tay trắng. Ông cũng muốn ra đi thanh thản với hai bàn tay trắng như vậy.
Tôi thấy xe của chú Nhân thường đến quán cơm 2.000 đồng Lữ Gia để cho quần áo cũ nên tôi hỏi xin quần áo. Sau đó chú Nhân chỉ tôi đến nhà lấy quần áo cũ được vài lần rồi. Số quần áo này tôi đem về cho vợ con và mình mặc, số khác thì cho mấy người ở chung dãy phòng trọ mặc theo lời chú Nhân dặn. Ông TRƯƠNG HOÀNG LONG, chạy xe ôm ở Chợ Lớn (ảnh) Trong một lần đi tìm người quen ở khu cư xá Bắc Hải, tôi tình cờ thấy xe của chú Nhân. Người ta có tiền và có tuổi rồi thì thường sống hưởng thụ nhưng chú Nhân bỏ công sức ra làm mấy việc này khiến tôi cảm kích lắm. Thông thường cơm chỉ bán 2.000 đồng cho những người đến ăn trực tiếp, hạn chế mang về nhưng chỉ có chú Nhân là tôi đưa mấy chục hộp cơm để chú mang đi phát cho những người không tự đến ăn cơm được vào mỗi thứ Hai, Tư, Sáu hằng tuần. Ông NGUYỄN VĂN NGHĨA, chủ quán cơm Tôi biết chú Nhân hơn một năm trước khi đi ngang qua nhà chú. Chú kêu lại, khi thì cho hộp cơm, khi thì những gói mì, tôi cảm động trước tình cảm của chú. Trưa hôm nay chú cũng lại kêu cho hộp cơm. Đi cả ngày tiết kiệm được mấy chục ngàn ăn cơm tôi vui lắm. Một miếng khi đói bằng cả gói khi no mà. Chị TRỊNH THỊ BÍCH NHÌ, quê Quảng Ngãi, bán chổi ở Sài Gòn hơn 12 năm qua để nuôi ba đứa con (ảnh) |