Cả xóm cưu mang một người điên

Trong ngôi nhà chật hẹp hơn 20 m2, nhiều năm nay bà Phạm Thị Sòng (60 tuổi, ngụ xóm Lẫm, thôn Phước Thạnh, xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành, Quảng Nam) tuy bị bại liệt và mắc chứng tâm thần sau cú sốc những người thân lần lượt qua đời nhưng bà vẫn hạnh phúc vì được sống trong vòng tay đùm bọc của xóm giềng.

Những cú sốc số phận

Xóm Lẫm nằm hiu hắt giữa xã miền núi Tam Thạnh không mấy khá giả về kinh tế. Tiếp chúng tôi, bà Sòng lếch thếch lê đôi chân, nở nụ cười ngây ngô. Đấy là thời điểm bà tỉnh táo nhất.

Bà Sòng tâm sự thỉnh thoảng cũng có người ở xa đến thăm mình nhưng chủ yếu vẫn là những người quen thuộc trong xóm đến trò chuyện cho bà đỡ buồn và bớt đi cơn đau đang hành hạ.

Những người hàng xóm cho biết mẹ bà Sòng đã qua đời khi bà vừa tròn hai tuổi. Bà Sòng có bốn anh em nhưng đã mất hai người trong chiến tranh. Chiến tranh loạn lạc, người cha phải bồng bế bà cùng một đứa em khác vào Nam tránh nạn.

Hòa bình lập lại, chị của bà cũng lập gia đình rồi ở lại Bà Rịa-Vũng Tàu sinh sống. Riêng bà và người cha trở về quê cũ mưu sinh. Quê nghèo, lại không có ruộng đất nên hai người chỉ biết nương tựa vào nhau sống qua ngày bằng những việc thuê mướn. Đến tuổi trưởng thành, bà thầm thương trộm nhớ một thanh niên cùng địa phương. Những ngày tháng hạnh phúc cứ ngỡ sẽ đơm hoa kết trái, nào ngờ sắp đến ngày cưới thì vị hôn phu của bà đột ngột qua đời, bỏ lại bà với cú sốc quá lớn.

Tưởng chừng như thế đã là bất hạnh lắm đối với bà Sòng. Nào ngờ sau đó người cha tảo tần của bà cũng qua đời để lại mình bà bơ vơ với bệnh tật. Đó là vào năm 1992, sau cú sốc người chồng sắp cưới mất lại đến người cha cũng qua đời vì bệnh khiến bà trở nên điên dại.

“Tôi thấy bà ấy tội lắm, cuộc đời bà ấy như một cuốn phim buồn quay chậm vậy. Hết mẹ chết vì bệnh đến anh chị cũng mất trong chiến tranh. Đến lúc tưởng chừng như hạnh phúc đang đến thì người chồng sắp cưới cũng mất. Thật đáng tiếc cho một phận đời con gái. Bà ấy bị sốc cũng đúng thôi, làm sao chịu được một bi kịch quá lớn như thế được” - ông Ngô Quang Vinh, Trưởng thôn Phước Thạnh, chia sẻ.

 
Nhiều người trong xóm Lẫm thay nhau cơm nước cho bà Sòng (trái). Ảnh: QUANG NAM

Tình người xóm Lẫm

Sau cú sốc mất người thân, bà Sòng không còn nhớ điều gì nữa. Mỗi khi lên cơn là miệng bà la hét không rõ thành tiếng. Trong cơn mê dại, bà đập phá tất cả đồ đạc có được trong nhà.

Sống giữa làn ranh mơ tỉnh, bà Sòng vẫn đi làm thuê kiếm cơm qua ngày trong những lúc tỉnh táo. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, cơn bệnh hành hạ khiến bà bị liệt nửa người và không còn đi lại được nữa. Bắt đầu từ đó, nhiều người trong làng thay nhau chăm sóc bà Sòng.

“Trước đó thấy bả bị bệnh nên vợ chồng tôi ở gần chạy sang cơm nước rồi thuốc thang chỉ mong bà khỏe lại, coi bà ấy như mẹ. Nào ngờ mấy tháng ròng trôi qua, bà nằm miết trên giường và một nửa người bị bại liệt. Thương tình, tôi vận động bà con trong xóm quyên góp tiền, gạo và chăm sóc cho bà suốt 17 năm nay” - Trưởng thôn Ngô Quang Vinh cho hay.

Những người trong xóm thay phiên nhau lo cơm nước, tắm gội, vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa cho bà. “Bà ấy nhiều khi cũng lên cơn điên và la hét nhưng cũng cố làm gì đó để khỏi bị bắt đem vào trại tâm thần. Nhiều người địa phương đã quyết định đưa bà đi khám bệnh nhưng bà vẫn không đi. Lúc tỉnh táo bà nói rằng muốn ở đây với chòm xóm láng giềng chứ không muốn đi đâu cả. Lúc lên cơn tâm thần nhưng bà ấy không gây ảnh hưởng đến ai. Chúng tôi thương bà ấy nên thay nhau chăm sóc hằng ngày” - vợ Trưởng thôn Vinh, một người thường xuyên đến lo cơm nước cho bà Sòng, kể.

Chúng tôi thật bất ngờ từ những tấm lòng của người dân nơi đây, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng họ biết cùng nhau dang tay để che chở cho một người bất hạnh. Cả xóm nhỏ đùm bọc lấy một người.

Dọn cơm cho bà Sòng ăn, chị Hằng, người hàng xóm của bà, nói: “Thay phiên nhau cưu mang bà Sòng là việc mà chúng tôi tình nguyện làm chứ không ai bắt ép gì cả. Sống trong xóm giềng với nhau, hơn nữa cụ cũng đã già mà còn bệnh tật nên chúng tôi phải có trách nhiệm chăm sóc. Đó cũng là cái đạo làm người mà chúng tôi muốn con cháu sau này nhìn vào đó mà sống cho tử tế”.

Những suy nghĩ, hành động nhân văn đó chắc hẳn đã đem lại hạnh phúc cho một người điên và sưởi ấm thêm cho cuộc sống này.

Cũng bằng tình thương đối với phụ nữ bất hạnh này, người dân xóm Lẫm đã chung tay xây cho bà một ngôi nhà hơn 20 m2 (ảnh) để bà có chỗ trú chân. Nhưng hễ mỗi khi lên cơn là bà Sòng lại khiêng đá từ ngoài đường vào chất thành đống trước nhà, rồi sau đó lại khiêng ra lại chỗ cũ khiến nhiều người không khỏi đau lòng. Đến nhà bà Sòng, mọi thứ ngăn nắp, sạch sẽ nhờ những người hàng xóm tốt bụng, khác với những hình dung trước đó về căn nhà của một người đàn bà điên.

Cả xóm cưu mang một người điên ảnh 2

Sống trong xóm giềng với nhau, hơn nữa cụ cũng đã già mà còn bệnh tật nên chúng tôi phải có trách nhiệm chăm sóc. Đó cũng là cái đạo làm người.

Chị Hằng, hàng xóm của bà Sòng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm