Xóm người điên dưới chân đèo Phú Gia

Bước vào cổng xóm Chùa, thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến (Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) là bước vào một không khí rất khác. Hình ảnh những thanh niên lơ ngơ hai bên đường, quần áo lấm lem, người thì cười, kẻ khóc, người khinh khỉnh lảng đi không chịu trả lời… sẽ là nỗi ám ảnh khó phai cho những ai lần đầu đến đây.

Xóm Chùa thoạt nhìn yên bình nhưng trong đó chứa chất bao nhiêu nỗi bất hạnh. Ảnh: VIẾT LONG.

Cha mẹ già nuôi con tâm thần

Băng qua bãi cát trắng giữa nắng trưa, men theo con đường mòn nằm ở phía cuối xóm Chùa, chúng tôi đến nhà bà Trần Thị Hiền. Căn nhà xây tạm bợ do chính quyền hỗ trợ, bên trong chẳng có gì đáng giá. Giữa nhà, chiếc thau nhôm méo mó nằm chỏng chơ bên vũng nước. Cạnh đó, người con trai đã hơn 30 tuổi cởi trần nằm sấp trên tấm ván, chân bị buộc xích nối vào tường. Bà Hiền đang cố đút cho con từng miếng cơm nhưng anh ta không chịu, cứ lấy tay đẩy ra làm những hạt cơm văng tung tóe.

Bà Hiền giải thích: “Đó là con trai thứ ba của tui, tên là Phan Văn Toàn, nay đã 25 tuổi nhưng mắc chứng bệnh tâm thần nặng nên phải xích nó lại, không nó chạy phá phách khắp nơi. Ngày trước ông ấy còn khỏe giữ được nó, giờ cả hai vợ chồng đều đã già không giữ nổi…”. Cách đó một bức tường, căn phòng nhỏ hẹp là nơi ở của người con gái thứ hai, Phan Thị Lành (32 tuổi) cũng bị căn bệnh này. Khác với thân hình vạm vỡ, béo tốt của người em trai, thân thể của Lành ốm yếu, nặng chưa tới 25 kg. Đều là tâm thần nhưng hai chị em khác nhau. Trong khi người em thường quậy phá mỗi lúc lên cơn thì người chị suốt ngày câm lặng, ánh mắt không hồn nhìn ra cửa sổ, lâu lâu lại nhoẻn miệng cười rồi đắp chăn lại khóc.

Bà Hiền cho biết trước đây hai chị em Lành sinh ra bình thường. Lành lấy chồng ở Hà Tĩnh, sinh xong đứa con gái  thì bỗng nhiên đổ bệnh. Đã 15 năm trôi qua, giờ đây bà Hiền vẫn nhớ ngày con gái mình bồng cháu từ Hà Tĩnh về nhà rồi đêm đêm thẫn thờ bồng con ra quốc lộ ngóng chồng. “Lúc đó chồng nó bảo hãy về ngoại sinh sống để chồng vào Nam làm ăn. Nhưng một năm, hai năm sau nó không nhận được thông tin gì từ chồng rồi phát bệnh”. Những ngày đầu phát bệnh, vợ chồng bà Hiền mỏi mệt với những đêm khuya lội đồng tìm con, hay lúc lên cơn Lành bồng con định thả xuống giếng.

Cứ ngỡ cuộc đời khổ cực chỉ trút lên thân phận của người con gái nhưng 10 năm sau, Toàn cũng bỗng nhiên lâm bệnh. Vốn là một chàng trai rất khỏe mạnh, Toàn từng làm thợ xây dựng, từng vào Nam làm thuê… “Một ngày sau khi đi làm về nó bỗng nhiên hét toáng lên, chửi bới lung tung, rượt đánh vợ chồng tôi rồi nằm khóc vật vã. Vợ chồng tôi năm lần bảy lượt đưa nó lên bệnh viện chữa trị nhưng không khỏi” - ông Phan Tường (67 tuổi, chồng bà Hiền) tâm sự.

Sau bữa cơm trưa, bên góc nhà nhỏ, nhìn khuôn mặt hiền lành khi ngủ, chẳng ai nghĩ rằng Toàn là người bị bệnh tâm thần. Lấy chiếc chìa khóa từ túi áo mở xích cho con, bà Hiền rớm nước mắt bởi vết hằn ở cổ chân Toàn đã thâm đen. Giọng bà nghèn nghẹn: “Xích chân con vào tường thế này ai mà chả đau lòng nhưng không xích thì mỗi lần lên cơn nó đuổi đánh vợ chồng tôi, bỏ đi lung tung thì khổ quá…”.

Bà Hiền có bốn người con, ngoài Lành và Toàn thì người con trai đầu đã có gia đình riêng cũng có triệu chứng tâm thần nhẹ. Con của Lành đang học lớp 10, người con trai út thì đang học nghề. Hiện ông Tường bà Hiền chỉ biết bòn mót những cây chổi kiếm sống…

Chị Hứa Thị Yến và đứa con của mình. Ảnh: VL 

Không là cá biệt

Đáng buồn là ở xóm Chùa này những gia đình có con tâm thần như nhà bà Hiền “đếm trên đầu ngón tay không hết”, ông Tôn Thất Tuấn, trưởng thôn Phú Gia nói.

Hiện xóm Chùa có khoảng 15 người tâm thần đang còn sống, người chết thì chưa thể thống kê. “Cái xóm nhỏ này chỉ 250 khẩu, nằm kề các xóm khác trong thôn nhưng lạ thay bệnh điên chỉ xảy ra tại đây mà không biết nguyên nhân vì sao. Trước đây không lâu khi chưa có nước máy người dân bảo do nguồn nước nhưng nay nước có rồi mà bệnh vẫn không khỏi…” - ông Tuấn trầm ngâm.

Theo lời chỉ của ông Tuấn, chúng tôi đến nhà chị Hứa Thị Yến (42 tuổi). Một trong hai đứa con của chị Yến là em Hứa Văn Huy (12 tuổi) mà người trong thôn vẫn gọi là “người khỉ” vì hình hài bé nhỏ lạ thường. Huy nặng 7,7 kg, cao 0,8 m, chân, tay, miệng đầu đều bé tí. Theo bác sĩ, Huy bị suy dinh dưỡng bào thai, não bị teo, cơ thể chậm phát triển. Thấy con tật nguyền, chồng chị Yến buồn chán, rượu chè và bỏ đi biền biệt không về, một mình chị làm đủ nghề nuôi con.

Chị Yến tâm sự: “Mỗi lúc ra đường ai nhìn thấy nó cũng hoảng hồn bỏ chạy. Nó chẳng biết chơi với ai. Hiện gia đình phải gửi nó vào bệnh viện để chăm sóc, buổi tối tôi đón nó về nhà…”. Hằng tháng Huy có vài trăm ngàn đồng tiền hỗ trợ trẻ khuyết tật nhưng không đủ tiền thuốc.

Ông Nguyễn Tú, một người dân ở cạnh xóm Chùa, cho biết cách đây năm năm gia đình anh vào sống cạnh xóm Chùa: “Lúc đầu thấy nhiều thanh niên bị tâm thần ở xóm Chùa đi lang thang tôi cũng hoảng nhưng sau đó quen dần. Nghĩ ra thấy thương họ bất hạnh, họ không dữ như mình nghĩ đâu…”.

Theo lời ông Tú, cách nhà bà Hiền không xa, căn nhà của ông Trịnh Mãn giờ đây không còn người vào ra. Gia đình có sáu người nhưng lần lượt hóa điên hết. Hết con đến chồng, vợ rồi sang đến cháu. Gia đình ông Mãn kẻ bị điên chết tại quê, người bỏ xứ đi lang thang nay mất xác. Giờ cửa nhà hoang lạnh tiêu điều…

Ông Hồ Hữu Phúc, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến, cho biết thôn Phú Gia có khoảng 190 hộ dân, xóm Chùa có trên 25 hộ dân sinh sống từ lâu ở đây. Người dân xóm Chùa chủ yếu làm nghề nông nhưng do diện tích đất ít nên trước đây rất cực khổ. Sau này, nhờ sự giúp đỡ của xã hội nên đời sống đã đỡ hơn. Việc nhiều người trong thôn phát bệnh tâm thần cách đây đã lâu nhưng đến nay vẫn là một bí ẩn. Hiện chưa cơ quan chức năng nào về để tìm hiểu nguyên nhân.

Do nhiều người mắc bệnh nên không ít câu chuyện tâm linh  được đồn đoán. Người dân góp tiền tu bổ chùa chiền, cúng bái… Cuộc sống càng bất ổn hơn.

VIẾT LONG - HẠ TANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm