Sản phụ và thai nhi chết bất thường

Chiều 6-2, ông Phan Trọng Khánh, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng, xác nhận trường hợp sản phụ Phạm Thị Trang (SN 1988, ở thôn Xuân La, xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) cùng thai nhi đã tử vong tại Bệnh viện đa khoa Kiến An (Hải Phòng) song cho biết đây là trường hợp “bất khả kháng”.

Trước đó, khoảng 18 giờ ngày 3-2 (tức ngày 4 Tết Giáp Ngọ), thấy chị Phạm Thị Trang chuyển dạ, gia đình đã đưa đến nhập viện tại Bệnh viện huyện Kiến Thụy. Tuy nhiên, trong quá trình sinh nở, sản phụ Trang bất ngờ bị ngất, có biểu hiện ngừng tim, phải thở ôxy.

Thấy sản phụ có triệu chứng bất thường, nguy cơ đẻ khó, các bác sỹ tuyến trên là Bệnh viện đa khoa Kiến An đã phải có mặt can thiệp và phát hiện thai nhi đã chết. Ngay sau đó, sản phụ này được chuyển lên Bệnh viện đa khoa Kiến An để cấp cứu.

Tại đây, sau khi vào phòng cấp cứu được hơn 1 tiếng thì thai nhi trai nặng 3 kg được đưa ra cho người nhà mang về lo mai tang, còn chị Trang tiếp tục được cấp cứu từ 0 giờ 30 phút đến khoảng 5 giờ sáng hôm sau (4-2) đã tử vong.

Theo anh Đặng Văn Hoạt ( SN 1987, chồng sản phụ Trang), vợ mình mang thai cháu thứ hai trong tình trạng sức khỏe tốt. Bản thân chị Trang cũng không hề có tiền sử bệnh tật gì. Hàng tháng chị Trang vẫn đi khám định kỳ và chị chuyển dạ đúng với dự sinh.

Anh Hoạt bức xúc cho biết đến ngày 6-2, phía bệnh viện vẫn chưa có thông báo chính thức gì với gia đình về nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị Trang cùng thai nhi trong quá trình sinh nở.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí chiều 6-2, ông Phan Trọng Khánh, cho biết trường hợp sản phụ Phạm Thị Trang cùng thai nhi đã tử vong tại Bệnh viện đa khoa Kiến An là “bất khả kháng” vì nguyên nhân dẫn đến tử vong do trong quá trình chuyển dạ người mẹ đã bị tai biến do tắc mạch ối.

Ông Khánh giải thích thêm: “Đây là trường hợp rất hy hữu. Khi nước ối vào trong mạch máu gây tắc dẫn đến tai biến không thể cứu chữa được”.

Giám đốc Sở Y tế hải Phòng cũng khẳng định quá trình kiểm tra cho thấy “không có một lỗi nào từ phía bệnh viện, quy trình từ khi sản phụ bắt đầu nhập viện đến cuối đều rất chặt chẽ”. Lý giải về việc khi thấy chị Trang la hét vì đau dữ dội, gia đình yêu cầu mổ đẻ cho sản phụ nhưng không được chấp nhận, ông Khánh cho biết: “sản phụ đẻ thường, trong thời gian chuyển dạ, độ mở đủ để đẻ thì các bác sĩ không phải can thiệp mổ”.

Theo Trọng Đức (NLĐO)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Đưa bệnh viện về gần dân nhưng vướng nhiều thứ

Đưa bệnh viện về gần dân nhưng vướng nhiều thứ

(PLO)- Tại TP.HCM, bên cạnh một số phòng khám đa khoa vệ tinh hoạt động khá hiệu quả vẫn có những phòng khám chỉ hoạt động cầm chừng hoặc được một thời gian thì đóng cửa do vướng thủ tục BHYT, thiếu nhân sự…

Người dân đang chờ khám bệnh tại Phòng khám đa khoa vệ tinh Linh Xuân, TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Trạm y tế đông nhờ phòng khám đa khoa vệ tinh

(PLO)- Việc đưa các chuyên khoa và nhân lực từ bệnh viện quận, huyện về tuyến dưới thông qua mô hình phòng khám đa khoa vệ tinh giúp tăng cường năng lực y tế cơ sở, giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên.