Sẵn sàng khởi công đồng loạt cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

(PLO)- Bộ GTVT khẳng định việc sử dụng cát biển làm cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cần cẩn trọng, đủ tiêu chuẩn kỹ thuật mới áp dụng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025) nếu đầu tư theo trình tự, thủ tục thông thường mất tối thiểu hai năm để chuẩn bị nhưng nhờ áp dụng cơ chế đặc thù và sự vào cuộc của bộ, ngành nên thời gian đã rút ngắn còn một năm”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy khẳng định như trên tại buổi họp báo về tình hình triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam chiều 28-12. Ông cũng khẳng định hiện các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẵn sàng khởi công đồng loạt vào ngày 1-1-2023 tới.

Thông tin 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Đồ họa: THÙY TRANG

Thông tin 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Đồ họa: THÙY TRANG

Vào cuộc sớm giúp dự án đáp ứng tiến độ

Theo ông Lê Quyết Tiến, quyền Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có lợi thế là được áp dụng một số cơ chế đặc thù. Chẳng hạn như chỉ định thầu, giải phóng mặt bằng đồng thời với quá trình chuẩn bị đầu tư.

Các ban quản lý dự án, tư vấn và các đơn vị của Bộ GTVT làm ngày, làm đêm... nhờ đó khâu chuẩn bị đúng tiến độ. Hiện 12 gói thầu (trong tổng 25 gói thầu) thuộc 12 dự án thành phần đủ điều kiện khởi công.

“Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT, sau lễ khởi công các nhà thầu phải triển khai thi công ngay, bám sát các mốc tiến độ, chất lượng theo yêu cầu...” - ông Tiến nói.

Đối với 13 gói thầu còn lại, Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu để tổ chức thi công trước tết Nguyên đán Quý Mão.

Về công tác giải phóng mặt bằng, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy thừa nhận giai đoạn 1 của dự án còn chậm dẫn đến một số dự án thành phần chậm tiến độ. Tuy nhiên, giai đoạn 2, Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt nên đến nay các địa phương đã bàn giao trên 70% diện tích mặt bằng các gói thầu, đáp ứng điều kiện để khởi công.

“Với diện tích mặt bằng còn lại, Bộ GTVT đề nghị các địa phương cần tích cực triển khai để bảo đảm bàn giao toàn bộ trong quý II-2023...” - ông Huy nói.

Theo kế hoạch, ngày 31-12 tới, Bộ GTVT sẽ tổ chức khánh thành đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn và thông xe kỹ thuật ba đoạn cao tốc hoàn thành trong năm nay gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45 (dài hơn 63 km), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài hơn 100 km) và Phan Thiết - Dầu Giây (dài hơn 99 km). Đây là các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1.

Khu vực phía Nam thiếu cát nhưng sẽ có phương án

Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM về việc khan hiếm nguồn cát khu vực ĐBSCL, ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, cho biết giai đoạn 2 dự án cần 47 triệu m3 đất, cát đắp nền đường. Qua khảo sát, cát tập trung chủ yếu ở bốn địa phương gồm An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Sóc Trăng.

Đánh giá được tình trạng khan hiếm cát, Chính phủ ban hành nghị quyết cho phép sử dụng cơ chế đặc thù nâng công suất các mỏ tối đa lên 50% và khai thác các mỏ mới để giao cho nhà thầu làm dự án.

Cạnh đó, thời gian qua Bộ GTVT phối hợp với Bộ TN&MT làm việc với các địa phương khu vực ĐBSCL. Qua đó nêu rõ chỉ đạo của Thủ tướng là đề nghị các tỉnh có nguồn vật liệu đều có trách nhiệm chung, không chỉ với tỉnh có dự án đi qua, bởi đây là dự án trọng điểm quốc gia. Song song đó, yêu cầu các địa phương có nguồn cát làm thủ tục triển khai các mỏ mới, giao các tỉnh theo thứ tự ưu tiên dự án nào cần trước thì cấp trước để phân bổ nguồn cát, đảm bảo tiến độ thi công các dự án.

Ngoài ra, các bộ chủ động chỉ đạo các đơn vị tham mưu về việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp đường. Theo đánh giá của đơn vị tư vấn, về cơ bản cát biển đáp ứng yêu cầu về thành phần hạt để đắp nền đường. Hiện tư vấn đang đánh giá việc ảnh hưởng của nhiễm mặn với môi trường xung quanh khi sử dụng cát biển thay thế vật liệu đắp đường.

Bộ GTVT dự kiến sẽ triển khai sử dụng cát biển đắp đường thí điểm 1 km ở đoạn tuyến Hậu Giang - Cà Mau. Sau khi thử nghiệm sẽ có đánh giá để khoanh vùng cấp mỏ khai thác cát biển đưa vào sử dụng đắp đường.

“Dự kiến đến cuối năm 2023 mới có thể có đánh giá về việc sử dụng cát biển thay thế vật liệu đắp đường. Hiện thi công cao tốc vẫn sử dụng cát sông…” - ông Minh cho hay.

Bổ sung, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy thừa nhận khu vực ĐBSCL đang “căng” về nguồn cát. Quá trình khảo sát tại An Giang có trữ lượng cát sông lớn cho dự án nhưng sản lượng được phép khai thác chưa đạt. Vì vậy, chủ đầu tư, nhà thầu cần phối hợp với địa phương để mở mỏ mới cung cấp cho dự án. Trong đó, các tỉnh cần cấm việc kinh doanh các mỏ này, chỉ phục vụ riêng cho dự án.

Về nguồn cát biển, ông Huy cho rằng phải cẩn trọng, đủ tiêu chuẩn kỹ thuật mới áp dụng, vì ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Đối với chất lượng các nhà thầu được chỉ định, ông Lê Quyết Tiến, Bộ GTVT đã chỉ đạo các ban quản lý dự án xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà thầu theo quy định pháp luật. Quy trình lựa chọn nhà thầu cũng theo đúng các bước, đúng trình tự.

Bộ GTVT cũng yêu cầu các chủ đầu tư có trách nhiệm chính trong thẩm định việc phê duyệt các bước, các khâu trong công tác chỉ định thầu. Hiện nay, quá trình lựa chọn nhà thầu bằng chỉ định thầu đảm bảo quy định với kết quả là Bộ GTVT đã ký hợp đồng của 14 gói thầu, đáp ứng điều kiện khởi công.•

Vật liệu cát đắp rất quan trọng

Với vai trò là nhà thầu xây lắp được Bộ GTVT, chủ đầu tư lựa chọn tham gia thi công xây lắp đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, công ty xác định vật liệu cát đắp là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến tiến độ dự án.

Theo tính toán, nhu cầu cát đắp cho hai dự án thành phần khu vực ĐBSCL là 18,5 triệu m3. Sau khi được chủ đầu tư, Bộ GTVT lựa chọn thi công xây lắp, hơn một tháng qua Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã làm việc với các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng xác định trữ lượng. Kết quả cho thấy trữ lượng cát tại các địa phương này đủ đáp ứng cho dự án, song trữ lượng được cấp mỏ vẫn rất thấp. Vấn đề này rất cần sự chia sẻ của địa phương.

Ông NGUYỄN HỮU NGỌC, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm