Để các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 về đích năm 2025, đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026, phải có sự quyết tâm của trung ương, các bộ, ngành và địa phương, trong đó vai trò của Bộ GTVT là đặc biệt quan trọng. Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ về các thông tin liên quan đến dự án này.
Công trường dự án cầu Mỹ Thuận 2, một dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Ảnh: HẢI DƯƠNG |
Áp dụng nhiều cơ chế linh hoạt
. Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, dự kiến các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ khởi công vào cuối năm 2022, Bộ GTVT đã chuẩn bị những gì để sẵn sàng khởi công dự án?
+ Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Công tác triển khai đầu tư 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Bộ GTVT. Do đó, ngay từ cuối năm 2021, thời điểm dự án còn chưa được Quốc hội (QH) thông qua chủ trương đầu tư, lãnh đạo Bộ GTVT đã liên tục chủ trì các cuộc họp. Thậm chí có những cuộc họp kéo dài xuyên đêm để hoàn thiện hồ sơ, giải trình thêm các ý kiến của đại biểu QH. Cạnh đó, Bộ GTVT cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thống nhất phương án xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai dự án ngay sau khi được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đặc biệt, hơn một năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và các thứ trưởng được phân công phụ trách khu vực liên tục có nhiều chuyến công tác thực địa từ Bắc đến Nam để thống nhất, thỏa thuận với chính quyền địa phương về hướng tuyến, làm sao để tuyến cao tốc đi thẳng nhất, tránh tối đa các khu dân cư.
Đến khi QH ban hành Nghị quyết 44/2022 (ngày 11-1) thông qua chủ trương đầu tư dự án, Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 18/2022 để triển khai Nghị quyết 44/2022. Trong đó, Bộ GTVT tham mưu Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ để kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2; phân giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện dự án.
Dự án đã được bố trí đầy đủ nguồn vốn
. Thiếu vốn, khó khăn trong kêu gọi nhà đầu tư… là những rào cản lớn cho các dự án cao tốc hiện nay. Đối với cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Bộ GTVT sẽ làm gì để khắc phục các khó khăn này?
+ Trong thời gian qua, các dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) gặp nhiều khó khăn trong việc kêu gọi nhà đầu tư. Tuy nhiên, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đã nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng, QH và Chính phủ nên cả 12 dự án thành phần đều được triển khai theo hình thức đầu tư công.
Hiện dự án đã được bố trí đầy đủ nguồn vốn, gồm ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo Nghị quyết 43 của QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ GTVT đã yêu cầu các ban quản lý dự án thuộc bộ lập kế hoạch triển khai chi tiết, kế hoạch vốn và giải ngân từng năm cho từng dự án thành phần. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT tổng hợp trình Bộ KH&ĐT bố trí đủ vốn theo tiến độ yêu cầu.
Hiện nay, Bộ GTVT đã yêu cầu các ban quản lý dự án thuộc bộ lập kế hoạch triển khai chi tiết, kế hoạch vốn và giải ngân từng năm cho từng dự án thành phần.
Đảm bảo cơ bản hoàn thành dự án năm 2025
. Giải phóng mặt bằng (GPMB), nguồn vật liệu thi công cũng là những khó khăn lớn đối với các dự án cao tốc, Bộ GTVT giải quyết vấn đề này như thế nào?
+ Về công tác GPMB, Bộ GTVT đã triển khai ngay công tác lập hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi để sớm bàn giao cho các địa phương thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đồng thời, Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ chỉ đạo các địa phương có dự án đi qua thành lập ngay Ban chỉ đạo GPMB của tỉnh, Hội đồng GPMB cấp huyện. Từ dó, đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 31-12-2022 và hoàn thành toàn bộ công tác GPMB trong quý II-2023.
Về nguồn vật liệu phục vụ thi công, Bộ GTVT đã trình Chính phủ ban hành một số cơ chế đặc thù cho công tác khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (Nghị quyết 18/2022). Trong đó, Chính phủ cho phép nâng công suất các mỏ và giao các mỏ khoáng sản cho nhà thầu thi công khai thác phục vụ dự án. Chính quyền địa phương phối hợp ngay từ bước chuẩn bị dự án trong công tác xác định, cấp phép, nâng công suất các mỏ vật liệu và kiểm soát chặt chẽ giá vật liệu xây dựng.
Đảm bảo cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2025
. Với Nghị quyết 18/2022 thì Bộ GTVT đóng vai trò là “tổng quản” đối với toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT có cảm thấy áp lực với nhiệm vụ lớn lao này không?
+ Tại Nghị quyết 18/2022, Chính phủ giao Bộ GTVT thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của người quyết định đầu tư để tổ chức thực hiện dự án, đảm bảo tiến độ cơ bản hoàn thành vào năm 2025, khai thác, vận hành từ năm 2026. Không chỉ cá nhân tôi mà các đồng chí lãnh đạo Bộ GTVT luôn nhận thức vai trò, trách nhiệm rất lớn của mình trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả cho dự án.
Phải nói thẳng thắn, áp lực công việc trong thời gian tới rất lớn nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, QH, Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành địa phương, đặc biệt là sự kỳ vọng của nhân dân, ngành GTVT sẽ quyết tâm biến áp lực thành động lực để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.