Ngày 16-6, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội (QH) khóa XV đã thông qua các nghị quyết về chủ trương đầu tư năm dự án quan trọng quốc gia với tổng vốn đầu tư hơn 245,5 ngàn tỉ đồng. Trong đó có dự án xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).
|
Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Trung ương khảo sát thực tế dự án cao tốc |
Bà Rịa-Vũng Tàu: Khẩn trương triển khai các đầu việc
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM vào chiều 17-6, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết ngay sau khi QH thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, UBND tỉnh đã họp để triển khai dự án này. Theo ông Vinh, thời gian qua tỉnh đã giao các địa phương thực hiện công tác thống kê, cắm mốc ranh toàn tuyến. Sau khi có nghị quyết, Chính phủ có văn bản giao cho các địa phương, tỉnh sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý tiếp theo như kiểm đếm đất đai để làm cơ sở thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). “Tỉnh sẽ khẩn trương triển khai các đầu việc để dự án đúng tiến độ” - ông Vinh nói.
Tại cuộc họp của Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu ngày 16-6, ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh đây là một sự ghi nhận, giao nhiệm vụ của QH. Việc đầu tư tuyến đường là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ riêng Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn là của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ; tháo gỡ “nút thắt” về hạ tầng giao thông cho sự phát triển kinh tế của Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo ông Thanh, tỉnh đã thông qua nghị quyết thống nhất bố trí vốn ngân sách địa phương để chi trả 50% chi phí bồi thường, GPMB. Để khai thác tối đa tuyến cao tốc, tỉnh cũng đã đồng thời cân đối nguồn ngân sách địa phương trung hạn giai đoạn 2021-2025 để nghiên cứu đầu tư đoạn tuyến cuối cao tốc là Vũng Vằn - Vũng Tàu dài gần 16 km. Đồng thời tỉnh cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án giao thông trong tỉnh kết nối như tuyến đường ven biển Vũng Tàu - Bình Châu.
“Nếu chúng ta làm tốt những tuyến kết nối như cầu Phước An, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vũng Vằn - Vũng Tàu, đường ven biển, kéo điện lưới ra Côn Đảo, đầu tư sân bay Côn Đảo thì trong giai đoạn 2021-2026 cơ bản đã tạo ra nền tảng, đột phá thật sự về hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh không chỉ cho giai đoạn này mà còn mở ra không gian kinh tế mới cho nhiều năm tới” - ông Thanh chia sẻ.
Ông Thanh đề nghị UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương, tỉnh Đồng Nai trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Luôn bám sát thực tế địa phương, tập trung quản lý, sử dụng nguồn vốn và các nguồn lực triệt để, hiệu quả để triển khai đầu tư dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Đồng thời sớm xác định, giao nhiệm vụ cho một đơn vị làm chủ đầu tư sau khi có nghị quyết của QH để khi được thông qua có thể bắt tay ngay vào việc thực hiện các công việc theo đúng chức năng.
Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh đây là một sự ghi nhận, giao nhiệm vụ của QH. Việc đầu tư tuyến đường là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ riêng Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn là của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ.
Đồng Nai: Sẵn sàng cho khởi công
Trong cuộc họp về công tác GPMB và tái định cư (TĐC) mới đây cho dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết dự án này có vai trò rất quan trọng đối với tỉnh nhà và các địa phương lân cận. Do đó để dự án thực hiện đúng kế hoạch, HĐND tỉnh Đồng Nai đã thông qua nghị quyết thống nhất chủ trương và cam kết số vốn ngân sách địa phương vào dự án với 50% giá trị bồi thường, GPMB tương đương với hơn 2,6 ngàn tỉ đồng. Trong trường hợp điều chỉnh tăng thêm tổng mức vốn đầu tư của dự án, tỉnh Đồng Nai cũng cam kết bố trí đủ số vốn tăng thêm (tương ứng với 50% giá trị bồi thường, GPMB).
Ngoài ra, để phục vụ xây dựng dự án, Đồng Nai sẽ phải thực hiện thu hồi diện tích đất gần 373 ha trên địa bàn TP Biên Hòa và huyện Long Thành. Đồng thời thực hiện bố trí TĐC cho hơn 2.000 hộ dân. Vì vậy, chủ tịch tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các đơn vị liên quan phải chuẩn bị các phương án để thực hiện tốt việc GPMB và xây dựng các khu TĐC cho dự án này.
“Việc GPMB, xây dựng các khu TĐC là bắt buộc phải làm chứ không chờ đợi hồ sơ dự án đường cao tốc triển khai đến đâu. Việc chuẩn bị các thủ tục phải hoàn thành trong thời gian một năm để triển khai xây dựng” - ông Dũng nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên cũng cho biết để phục vụ cho công tác GPMB của dự án, thời gian qua TP đã tiến hành rà soát quỹ đất trên địa bàn. Qua rà soát, hiện có bốn khu đất (ba khu ở phường Phước Tân và một khu ở phường Tam Phước) được lựa chọn để xây dựng các khu TĐC.
UBND huyện Long Thành cũng thông tin khi thực hiện dự án, địa phương phải bố trí TĐC cho hơn 1.000 hộ dân. Hiện nay, huyện xác định được hai khu đất để xây dựng các khu TĐC với tổng diện tích hơn 62 ha tại địa bàn hai xã Long Đức và Long Phước.
Bố trí 1.350 tỉ đồng cho dự án Châu Đốc -Cần Thơ - Sóc Trăng
Đối với dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết tại kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh An Giang vừa thông qua nghị quyết trong đó thống nhất bố trí 1.350 tỉ đồng cho dự án.
Sắp tới, tỉnh sẽ khẩn trương thực hiện xác định hướng tuyến, tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB trong năm nay để năm 2023 tiến hành khởi công. Bên cạnh đó là công tác chuẩn bị nguồn vật liệu để đảm bảo việc thi công, sớm đưa tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi vào hoạt động.
Tuyến khai thác sẽ phá thế độc đạo của quốc lộ 91 từ cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (An Giang) đến TP Cần Thơ trong nhiều năm qua, đồng thời là đòn bẩy cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung. HẢI DƯƠNG