Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có vai trò rất quan trọng đối với tỉnh nhà và các địa phương lân cận. Theo đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị liên quan phải chuẩn bị các phương án để thực hiện tốt việc giải phóng mặt bằng (GPMB) và xây dựng các khu tái định cư (TĐC) cho dự án này.
Dự án đầu tư gần 18.000 tỉ đồng
Theo đề nghị của Chính phủ, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) có chiều dài 53,7 km, đi qua địa bàn Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Dự án có điểm đầu kết nối với tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP Biên Hòa (Đồng Nai) và điểm cuối tại đường giao với quốc lộ 56 (Bà Rịa-Vũng Tàu). Dự án được đề xuất khởi công trong năm 2023 và cơ bản hoàn thành trong năm 2025.
Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Trung ương khảo sát thực tế dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: VŨ HỘI |
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án (giai đoạn 1) để tổ chức thẩm định, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Theo đó, Bộ GTVT đề xuất sử dụng gần 18.000 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước để đầu tư thực hiện dự án.
Theo chủ trương đầu tư được Thủ tướng phê duyệt, mục tiêu của cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là đáp ứng nhu cầu vận tải và giảm tải cho quốc lộ 51. Đây cũng là tuyến huyết mạch cho mạng lưới kết nối giao thông giữa vùng tam giác kinh tế phát triển bậc nhất của cả nước là TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Gấp rút giải phóng mặt bằng để khởi công dự án
Để phục vụ xây dựng dự án, Đồng Nai sẽ phải thực hiện thu hồi diện tích đất gần 373 ha trên địa bàn TP Biên Hòa và huyện Long Thành. Đồng thời, thực hiện bố trí TĐC cho hơn 2.000 hộ dân.
Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà cho biết Bộ GTVT dự kiến sẽ chia cao tốc thành ba dự án thành phần. Dù chia các giai đoạn đầu tư nhưng Đồng Nai vẫn sẽ thực hiện công tác GPMB đối với toàn bộ đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh.
Theo chủ trương đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu của cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là đáp ứng nhu cầu vận tải và giảm tải cho quốc lộ 51.
“Do đó, để tạo thuận lợi cho công tác GPMB, tỉnh đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu phương án tách công tác bồi thường, GPMB thành dự án độc lập. Nếu tách công tác bồi thường, GPMB thành dự án độc lập thì quá trình triển khai rất thuận lợi” - ông Hà cho hay.
Chủ tịch UBND TP Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên cho biết để phục vụ cho công tác GPMB dự án, thời gian qua TP đã tiến hành rà soát quỹ đất trên địa bàn. Qua rà soát, hiện có bốn khu đất (ba khu ở phường Phước Tân và một khu ở phường Tam Phước) được lựa chọn để xây dựng các khu TĐC.
UBND huyện Long Thành cũng thông tin khi thực hiện dự án, địa phương phải bố trí TĐC cho hơn 1.000 hộ dân. Hiện nay, huyện xác định được hai khu đất để xây dựng các khu TĐC với tổng diện tích hơn 62 ha tại địa bàn xã Long Đức và xã Long Phước.
Nhận định tầm quan trọng của dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho rằng dự án khi hoàn thành tạo sự thông thoáng trong kết nối giữa hai địa phương Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và liên kết giao thông phát triển khu vực. Khi có sự kết nối này, hiệu quả của sân bay và cảng biển mới được phát huy và chắc chắn sẽ tạo ra động lực để cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển.
“Việc GPMB, xây dựng các khu TĐC là bắt buộc phải làm chứ không chờ đợi hồ sơ dự án đường cao tốc triển khai đến đâu. Việc chuẩn bị các thủ tục phải hoàn thành trong thời gian một năm để triển khai xây dựng” - ông Dũng nhấn mạnh.•
Phân kỳ để đầu tư dự án
Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, Bộ GTVT đề xuất thực hiện phân kỳ đầu tư.
Cụ thể, giai đoạn 1, dự án được đề xuất đầu tư với quy mô 4-6 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/giờ. Trong đó, đoạn TP Biên Hòa - Long Thành (nút giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) và đoạn từ Tân Hiệp (Long Thành) đến quốc lộ 56 sẽ đầu tư với quy mô bốn làn xe (quy hoạch hoàn thiện sáu làn xe).
Riêng đoạn Long Thành - Tân Hiệp (giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành) sẽ đầu tư xây dựng với quy mô sáu làn xe (quy hoạch hoàn thiện tám làn xe).