Cuối tháng 3, các bác sĩ tại Đại học Utrecht (Hà Lan) đã thành công trong việc tái tạo hộp sọ cho một nữ bệnh nhân mắc căn bệnh khiến xương sọ dầy lên. Chiếc hộp sọ nhân tạo bằng plastic đã được sản xuất nhờ kỹ thuật in 3D. Song, kỹ thuật in 3D còn giúp rất nhiều trong y học để tái tạo nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể, như một vài ví dụ sau đây.
Tại xứ Wales, các bác sĩ phẫu thuật đã dùng kỹ thuật in 3D để tạo ra xương gò má và các thành phần xương khác theo kiểu “đo ni đóng giầy”, giúp một thanh niên bị biến dạng khuôn mặt sau một tai nạn môtô có lại được khuôn mặt lành lặn, nhờ các mẩu ghép được chế tạo hoàn toàn khớp với khuôn mặt của bệnh nhân.
Khối xương đầu- mặt của bệnh nhân được tái tạo nhờ kỹ thuật in 3D. Ảnh: BBC.com
Nẹp cố định phế quản
Nhờ vào kỹ thuật in 3D, hai chuyên gia tại Đại học Michigan đã thành công trong việc sản xuất ra một chiếc nẹp mềm, có kích thước nhỏ dùng để gắn vào phế quản bị suy chức năng của một trẻ nhỏ 8 tháng tuổi. Bé Kaiba bị mắc một chứng bệnh hiếm, khiến phần sụn của các phế quản của bé dễ vỡ kèm nguy cơ ngạt thở. Nẹp mềm được in 3D và đã được cố định vào phế quản bị bệnh, giúp phế quản luôn mở để bé có thể hô hấp bình thường.
Tai cho tất cả mọi người
Nhờ kỹ thuật in 3D, các chuyên gia Mỹ đã thành công trong việc chế tạo ra tai nhân tạo. Sau khi chụp scanner chiếc tai của một người bình thường, “mô hình” này được in 3D và được đổ khuôn. Chiếc khuôn sau đó được đổ đầy bằng một gel có chứa chất tạo keo và các tế bào sụn sống. Sau 3 tháng, một chiếc tai người nhân tạo được hình thành.
Răng
Nhờ vào kỹ thuật in 3D, các bác sĩ của Đại học Hasselt (Bỉ) đã thay thế được cung hàm dưới bị viêm nhiễm của một cụ bà 83 tuổi bằng cách sử dụng chất titane được bọc sứ.
Mắt giả giống mắt thật như đúc
Đại học Manchester (Anh Quốc) đã hợp tác với doanh nghiệp “Fripp Design&Research” chuyên về kỹ thuật in 3D để sản xuất ra một cách nhanh chóng và rẻ tiền những con mắt giả rất… bắt mắt. Ngoài ra, công ty “Fripp” sản xuất ra những chiếc mũi giả và cằm giả.
Tiến tới việc tạo ra da người
Tuy hiện nay, các máy in 3D chưa thể tạo hình ra các mẫu da, nhưng quá trình nghiên cứu đang gặt hái nhiều kết quả khả quan. Các chuyên gia của Đại học Oxford đã chế tạo thành công một dạng vật liệu tổng hợp có thể thay thế các mô sống. Một nhà khoa học của Đại học Wake Forest là James Yoo đã tạo hình ra các mẫu da trực tiếp lên những phần da bị tổn thương của các bệnh nhân bị phỏng. Nhiều nhà khoa học khác cũng đang nghiên cứu để có thể tạo ra các mạch máu từ kỹ thuật in 3D.
TƯỜNG NGUYỄN (Theo “L’Express”)