Sáng kiến Nga xoay chuyển tình thế Syria

Nga đã mở một lối ra hòa bình cho xung đột Syria. Viễn ảnh đen tối về hành động can thiệp quân sự vào Syria của Mỹ đang lùi lại. Ngày 9-9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo Syria chấp thuận đặt kho vũ khí hóa học dưới quyền kiểm soát của cộng đồng quốc tế và sau đó sẽ tiêu hủy”.

Hôm sau, ông cho biết Nga đang chuẩn bị một kế hoạch thật chi tiết nhằm thực hiện sáng kiến nêu trên. Ông nói sắp tới Nga sẽ công bố kế hoạch và sẵn sàng sửa đổi kế hoạch.

Quốc tế đã phản ứng tích cực với sáng kiến của Nga. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi thiết lập các khu vực tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria do LHQ giám sát.

Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập Nabil al-Arabi, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Iran, Ngoại trưởng Syria Walid al-Mouallem đã tuyên bố ủng hộ sáng kiến của Nga.

Sáng kiến Nga xoay chuyển tình thế Syria ảnh 1

Tổng thống Obama trả lời phỏng vấn của nhà báo Savannah Guthrie (đài truyền hình Mỹ NBC) đêm 9-9. Ảnh: NBC NEWS

Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố trước Quốc hội: “Nếu Syria đặt kho vũ khí hóa học dưới quyền kiểm soát của cộng đồng quốc tế thì đây là một bước tiến quan trọng”. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố trên truyền hình sáng kiến của Nga thật lý thú và bà hy vọng vào các bước kế tiếp.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nhận định sáng kiến của Nga có thể chấp nhận được với ba điều kiện:

- Tổng thống Syria phải cam kết không trì hoãn đưa kho vũ khí hóa học đặt dưới quyền kiểm soát của cộng đồng quốc tế và tiêu hủy toàn bộ.

- Công việc này phải được thực hiện trên cơ sở một nghị quyết mang tính chất ràng buộc của Hội đồng Bảo an LHQ theo một lộ trình ngắn và trừng phạt cứng rắn nếu không thực hiện cam kết.

- Đưa những người chịu trách nhiệm vụ tấn công bằng chất độc hóa học hôm 21-8 ở Syria ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế.

Mỹ phản ứng với sáng kiến của Nga bằng thái độ vừa thận trọng vừa hoài nghi. Phó cố vấn tổng thống Ben Rhodes cho biết Mỹ sẽ tiếp xúc với Nga và các nước khác để thẩm định sáng kiến của Nga.

Trong khi đó, đêm 9-9, trả lời kênh truyền hình NBC, Tổng thống Obama đã khen ngợi sáng kiến của Nga. Ông nhận định đây có thể là đột phá quan trọng, là bước phát triển tích cực và ông cam kết sẽ nghiên cứu nghiêm túc.

Một mặt ông lên gân khi cho rằng sáng kiến của Nga là kết quả trực tiếp từ đe dọa tấn công Syria của Mỹ, mặt khác ông thừa nhận đang rơi vào tình cảnh khó khăn bởi chưa chắc Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua nghị quyết đánh Syria.

Trả lời kênh truyền hình ABC về khả năng dừng tấn công quân sự, ông Obama cho rằng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Ông thú nhận vẫn chưa quyết định có đánh Syria hay không nếu Quốc hội không bật đèn xanh.

Ngày 10-9 (giờ địa phương), Tổng thống Obama sẽ phát biểu trước toàn dân về tình hình Syria.

Đài truyền hình Mỹ CNN nhận định lần cuối cùng tổng thống Mỹ phát biểu từ Phòng Bầu dục để tác động công luận về một cuộc xung đột vũ trang là năm 1983 khi Tổng thống Ronald Reagan nói về vụ căn cứ quân sự Mỹ ở Lebanon bị tấn công đẫm máu và Mỹ can thiệp quân sự lên đảo Grenada. Sau đó, kết quả thăm dò dư luận cho thấy tỉ lệ công chúng ủng hộ tăng lên 10 điểm.

Tại khóa họp lần thứ 24 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, các chuyên gia quốc tế đã trưng ra bằng chứng cho thấy các băng video và hình ảnh các nạn nhân trong vụ tấn công bằng chất độc hóa học hôm 21-8 ở Syria đã được dàn dựng trước. Ngày 10-9, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố như trên và cho biết nhiều nhân chứng khai chính bọn khủng bố đã sử dụng vũ khí hóa học ở Đông Ghouta hôm 21-8.

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm