Rõ ràng không chỉ việc không cho phép phổ biến mà ngay cả việc cho phép phổ biến của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đối với các tác phẩm âm nhạc đều đang gây ra những bức xúc, những phản cảm rất lớn trong xã hội. Điều dễ hiểu là nếu không ai có quyền phong thánh cho Chúa trời thì cũng không ai có quyền cho phép hay không cho phép phổ biến những bài hát đã trở thành di sản tinh thần của cả dân tộc. Đáng băn khoăn hơn, việc thực thi quyền cấp phép nói trên lại đang xảy ra cứ như kiểu chúng ta chưa bao giờ có Hiến pháp năm 2013 vậy!
Theo Hiến pháp năm 2013 thì quyền tự do sáng tác các tác phẩm âm nhạc và phổ biến chúng là quyền đương nhiên. Quyền này cũng như các quyền con người khác chỉ có thể bị hạn chế trong bốn trường hợp: 1. Vì lý do quốc phòng, an ninh; 2. Vì trật tự, an toàn xã hội; 3. Vì đạo đức xã hội và 4. Vì sức khỏe của cộng đồng. Và các quyền nói trên cũng chỉ có thể bị hạn chế bằng luật chứ không phải bằng bất kỳ văn bản dưới luật nào khác. (Xem các điều 14, 40, 41 Hiến pháp 2013). Như vậy, theo tinh thần của Hiến pháp, tất cả bài hát đều đương nhiên được quyền phổ biến, trừ những bài hát bị luật cấm.
Để hành xử hợp hiến ở đây, các cơ quan chức năng cần kiến nghị Chính phủ trình ra Quốc hội một dự luật quy định về nguyên tắc, thủ tục cho việc cấm phổ biến một số bài hát. Trong dự luật này có thể có điều khoản ủy quyền cho Bộ VH-TT&DL ban hành danh mục các bài hát bị cấm phổ biến. Chỉ có như vậy, nguyên tắc cơ bản nhất của một nhà nước pháp quyền là người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm mới được bảo đảm. Cách làm của Cục NTBD hiện nay là làm ngược: Người dân không được phổ biến bất kỳ bài hát nào trừ những bài được cục này cho phép.
Xét từ góc độ kỹ thuật, cách làm ngược như Cục NTBD hiện nay là rất khó khăn, tốn kém và bất khả thi. Cấp phép thế nào cho hết các bài hát được sáng tác trước năm 1975. Các bài dân ca quan họ, ca trù, hát ví dặm, ca cải lương… có vẻ về cơ bản đều được sáng tác trước năm 1975. Bỏ cái hữu hạn để chạy theo cái vô hạn chưa bao giờ là hợp lý cả. Những sai sót, bất cập của Cục trong việc cấp phép thời gian vừa qua cho chúng ta thấy rất rõ điều này.
Cuối cùng, việc giới showbiz phải xin phép Cục để được tổ chức biểu diễn vẫn là cần thiết. Tuy nhiên, danh sách những bài hát được trình theo hồ sơ xin phép chỉ là để Cục kiểm tra xem vấn đề bản quyền đã được xử lý chưa, chứ không phải để cho phép được biểu diễn các bài hát đó. Ngoài ra, các cuộc biểu diễn không vì mục đích thương mại, như liên hoan nghệ thuật quần chúng, liên hoan cuối năm ở các trường đại học, liên hoan kỷ niệm ngày thành lập của các tổ chức, đoàn thể thì đừng bắt người ta xin phép!