Theo báo An Ninh Thủ Đô, trên website chính thức của Cục NTBD, ở danh mục các bài hát sáng tác trước năm 1975 được cấp phép phổ biến, không xuất hiện bất cứ sáng tác nào đề tên nhạc sĩ Văn Cao. Nghĩa là, danh sách 2.587 ca khúc được Cục NTBD cấp phép phổ biến, không có ca khúc nào của nhạc sĩ Văn Cao. Riêng ca khúc Tiến Quân ca, do đã được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhà nước, nên đương nhiên không cần phải có đơn vị nào cấp phép.
Tuy nhiên, cũng theo ANTĐ, trên danh mục này, có 7 ca khúc là sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao nhưng lại xuất hiện trong bảng danh mục với tư cách tác phẩm của…nhạc sĩ Văn Chung (!). Cụ thể đó là các ca khúc: Buồn tàn thu, Chiều buồn trên bến Bạch Đằng, Cung đàn xưa, Đàn chim Việt, Suối mơ, Thiên thai, Trương Chi. Cả 7 ca khúc này được chú thích là “Quyết định cấp phép theo thông báo số 01, ngày 15/10/1989”, tên tác giả là nhạc sĩ Văn Chung, trong khi trên thực tế đó đều là sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao.
Trên trang web của Cục NTBD, 7 sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao trước năm 1975 (số thứ tự từ 1 đến 7) đều bị ghi là tác phẩm của... nhạc sĩ Văn Chung. Ảnh: ANTĐ
Trong khi đó, trên website chính thức của Bộ VHTT&DL, tại danh mục “Các bài hát, bản nhạc sáng tác trước năm 1975 của tác giả phía Nam và của tác giả là người Việt Nam định cư ở nước ngoài sáng tác được phép phổ biến”, cả 7 ca khúc kể trên đều có tên trong danh sách và được ghi đúng tên tác giả là nhạc sĩ Văn Cao.
Ngoài ra, trong danh mục này của Bộ VHTT&DL còn có bài hát "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" của nhạc sĩ Văn Cao được cấp phép phổ biến, trong khi ca khúc này không có tên trong danh sách sáng tác trước năm 1975 được Cục NTBD cấp phép (kể cả đã cấp phép nhưng... ghi nhầm, ghi sai tên tác giả).
Trên website của Bộ VHTTDL, 7 ca khúc sáng tác trước năm 1975 được cấp phép phổ biến mà bài viết nhắc đến đều ghi đúng tên tác giả là của nhạc sĩ Văn Cao
Không chỉ nhạc sĩ Văn Cao, gần nhất là trường hợp 51 tác phẩm của nhạc sĩ Vũ Thành An đã được Cục cấp phép sau Nghị định 79/2012 ra đời. Thế nhưng trên danh mục của Cục vẫn chỉ có 24 ca khúc của nhạc sĩ này được phép phổ biến.
Chưa hết, hàng ngàn ca khúc khác từng được các Sở Văn hóa – Thông tin các tỉnh cấp phép trước khi Nghị định 79/2012 ra đời đến nay vẫn chưa được Cục hợp thức hóa để cập nhật dù các địa phương đã từng lên tiếng đế nghị. Như Sở Văn hóa thể thao TP.HCM hiện đang nắm cơ sở dữ liệu lên hơn 20.000 ca khúc mà Sở này đã từng cấp phép. Hay theo báo Người Lao Động, ca sĩ Ánh Tuyết cho biết chị đã gửi tới Cục NTBD bản sao hơn 3000 ca khúc sáng tác trước năm 1975 mà mình tập hợp được. Các hãng băng đĩa cũng cho biết đã gửi danh mục bài hát cho Cục NTBD với hy vọng cách làm này sẽ đỡ gây phiền hà cho Cục trong việc tập hợp, cập nhật danh mục các bài hát.
Tuy nhiên, đến nay, danh mục theo trang web của Cục chỉ mới cập nhật 2587 bài hát, con số quá nhỏ so với lượng ca khúc khổng lồ đã được lưu hành, biểu diễn trong đời sống hiện nay. Và cơ chế xin – cho vẫn tiếp tục tồn tại, nghĩa là ai làm đơn xin thì cấp phép. Và số lượng cấp phép theo kiểu này cũng nhỏ giọt theo từng hồ sơ xin phép gửi đến Cục.
Đã đến lúc, Cục NTBD cần tính toán, có ý kiến liên quan đến những quy định tại Điều 29 – nghị định 79/2012 hoặc nhanh chóng hợp thức hóa danh mục các bài hát mà các địa phương đã từng cấp phép trước khi Nghị định 79/2012 ra đời. Từ đó, cập nhật liên tục, kịp thời bảng Danh mục các bài hát được phép phổ biến, tránh tình trạng, lâu lâu lại xảy ra chuyện ngược đời, những bài hát nổi tiếng của các nhạc sĩ nổi tiếng lại bị mang tiếng là chưa được cấp phép phổ biến!
Điều 29: Phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu 1. Tổ chức, cá nhân phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu trực tiếp trước công chúng và nơi công cộng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. 2. Các tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài phát hành dưới hình thức xuất bản phẩm phải thực hiện quy định tại khoản 3 điều này và các quy định của pháp luật về xuất bản. 3. Tổ chức, cá nhân muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài nộp 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục NTBD. Hồ sơ gồm: a) 1 đơn đề nghị cấp phép phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 ở các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Mẫu số 08); b) 1 bản sao bản nhạc hoặc kịch bản sân khấu (có chứng nhận của tác giả chủ sở hữu tác phẩm hoặc tổ chức đại diện quyền tác giả); c) 1 bản sao chứng thực chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của tác giả (đối với cá nhân đề nghị cho phép phổ biến); d) 1 bản sao chứng thực quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với tổ chức đề nghị cho phép phổ biến); đ) 1 bản sao chứng thực văn bản nhận xét của cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước sở tại (đối với cá nhân đề nghị phổ biến lần đầu); e) 1 bản ghi âm có nội dung tác phẩm. (Trích Nghị định 79/2012/NĐ-CP ngày 5-10-2012 “Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu”). |