Nhiều câu hỏi đã được đặt ra đối với Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), xoay quanh việc cấm năm ca khúc trong đó có Con đường xưa em đi và mới nhất là việc ca khúc Nối vòng tay lớn (Trịnh Công Sơn) chưa được cấp phép: Đường sách ở TP.HCM có chương trình sử dụng bài hát Nối vòng tay lớn, liệu chương trình này có vi phạm không? Bài hát này đã được biểu diễn rất nhiều, vậy tại sao đến thời điểm này Cục mới có ý kiến là chưa được cấp phép? Danh sách ca khúc đã cấp phép trên trang web của Cục và Bộ chênh nhau rất nhiều; cách xử lý với các ca khúc tiếp theo của Trịnh Công Sơn…
Ông Đào Đăng Hoàn, Phó Cục trưởng Cục NTBD, cho biết báo chí cần thông cảm trong vấn đề quản lý văn hóa hiện nay. Việc này được thực hiện theo Công ước Bern, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2004. Vấn đề không chỉ một sớm một chiều giải quyết được dù hết sức cố gắng.
Ông Hoàn khẳng định có ca khúc không phải là không cấp phép mà là chưa. “Làm sao chúng tôi biết bài nào để cấm, làm sao để thu thập tất cả bài hát. Phải qua xin phép, thẩm định mới quyết được” - ông Hoàn nói.
Cũng theo ông Hoàn, hiện đã có danh sách hơn 2.000 bài sáng tác trước năm 1975 đã được cấp phép, đăng lên website. Còn rất nhiều bài không phép. Những bài chưa có đơn vị nào đứng ra xin phép thì chưa được cấp phép. “Còn vấn đề về bản quyền. Các bài hát chưa được xin phép để cấp phép, nếu biểu diễn, nhỡ sau này có nhạc sĩ đứng ra bảo tôi không đồng ý biểu diễn bài hát này thì sao?”.
Trước câu hỏi có hay không cơ chế “xin-cho” trong việc cấp phép các ca khúc, ông Hoàn không đồng tình với vấn đề mà phóng viên đặt ra. Ông Hoàn khẳng định Cục NTBD cấp phép các ca khúc hoàn toàn theo đúng các quy định của pháp luật. Việc cấp phép cho một ca khúc là do tác phẩm đó tốt chứ hoàn toàn không căn cứ vào ai là tác giả.
Liên quan đến thẩm quyền của Cục NTBD khi cấm vĩnh viễn năm bản nhạc bị sửa lời, ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục NTBD, cho hay những vấn đề liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan, Cục NTBD không có trách nhiệm xử lý. Về việc có sửa đổi quy định hay không để tránh những tranh cãi trong việc cấp phép về sau, theo ông Tuấn, hiện nay Cục NTBD vẫn thường xuyên tiếp nhận ý kiến góp ý để hoàn thiện hơn trong quá trình thực thi. “Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến để có tổng hợp đánh giá trong việc sửa văn bản quy phạm pháp luật” - ông Tuấn nói.
Đại diện Thanh tra Bộ VH-TT&DL cũng bày tỏ theo văn bản quy phạm pháp luật, Cục NTBD là nơi cấp phép hoàn toàn có đủ thẩm quyền để thu hồi các tác phẩm vi phạm pháp luật. “Cục có đủ tài liệu, sai thì xử luôn chứ không phải hỏi chủ sở hữu bởi đã chứng minh được điều đó rồi” - đại diện thanh tra Bộ nói.