Những ngày qua, ca khúc Con đường xưa em đi lọt vào danh sách năm ca khúc tạm thời ngừng lưu hành bởi sai lời, cần đối chiếu bản gốc.
Ngoài Con đường xưa em đi của nhạc sĩ Châu Kỳ - Hồ Đình Phương còn có bốn ca khúc: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương) và Đừng gọi anh bằng chú (Diên An).
Tuy nhiên, trong năm ca khúc đó, số phận của Con đường xưa em đi được dư luận quan tâm nhất. Bởi đây là ca khúc duy nhất có câu hỏi từ Cục Nghệ thuật biểu diễn rằng phần lời “Chiến trường anh bước đi” trong ca khúc là chiến trường nào?
Sau đó, chính ca khúc này bị rơi vào tình trạng “cấm vĩnh viễn” bởi lý do lời chưa chính xác với bản gốc. Và ca khúc này chỉ được cấp phép trở lại nếu chứng minh được bản gốc. Hiện tại, dù Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, gia đình nhạc sĩ có bản gốc… họ vẫn phải làm thủ tục để xin Cục Nghệ thuật biểu diễn được hát lại bài hát đã được hát lâu nay.
PLOđã có cuộc trao đổi với bà Kha Thị Đàng, vợ cố nhạc sĩ Châu Kỳ, về những vấn đề này.
. PV: Hiện tại gia đình đang nắm giữ bao nhiêu tác phẩm của cố nhạc sĩ Châu Kỳ, thưa bà?
+ Bà Kha Thị Đàng: Gia đình đã ký ủy thác cho Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tổng cộng gần 300 bài. Đó cũng là số lượng nhạc phẩm của chồng tôi sáng tác. Việc ký kết này đã diễn ra từ 12 năm trước do chính vợ chồng tôi ký hợp đồng. Và các bản nhạc gốc của chồng tôi viết thì gia đình lẫn trung tâm đều còn.
Trong số 300 ca khúc đó, hiện Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ cấp phép cho biểu diễn chưa đến 30 bài. Và trong số 300 bản đó có khoảng 60 bản là ca khúc được chồng tôi sáng tác trước 1975, còn 190 ca khúc còn lại là sáng tác sau ngày giải phóng.
Nhạc giai đoạn sau giải phóng của anh Châu Kỳ đa dạng thể loại nhạc hơn nhưng chủ yếu là phổ thơ người khác.
. Vậy có bao giờ bà ý kiến về việc một số ca sĩ sửa lời ca khúcCon đường xưa em đi?
+ Tôi có từng xem truyền hình và thấy ca sĩ Trung Quang từng hát ca khúc này với phần lời sửa “chiến trường anh bước đi” thành “lối mòn anh bước đi” và “nơi đây phiên gác canh dài” thành “nơi đây thao thức canh dài”. Còn trong chương trình Sol Vàng về nhạc sĩ Châu Kỳ thì vẫn giữ nguyên bản gốc không sửa.
Thực tế, việc sửa ca khúc này là tôi và anh Châu Kỳ từng ngồi sửa cùng nhau. Tôi vẫn nhớ khi tôi và anh ngồi sửa, chúng tôi có nói sửa cho phù hợp với thời đại ngày nay. Tuy nhiên, việc sửa chỉ là chúng tôi nói với nhau và bạn bè hát, một số người hát chứ chưa ra thành bản chính như bản đã gửi ở trung tâm tác quyền. Nên khi thấy trên tivi, các ca sĩ hát ca khúc Con đường xưa em đi, dù bản gốc hay có chỉnh sửa tôi vẫn thấy bình thường vì ca khúc có nhiều cách lan tỏa khác nhau.
. Qua bao biến cố, bà và nhạc sĩ Châu Kỳ lưu giữ tác phẩm của mình như thế nào?
+ Chồng tôi quý tác phẩm lắm. Và với tôi, trong những ngày anh nằm bệnh, tôi đã tập hợp lại tất cả nhạc của anh để in thành tập sách Thi Đàng Kỳ Duyên. Thi Đàng là tên tôi, Kỳ là tên anh. Thi Đàng Kỳ Duyên là duyên số, duyên phận của Thi Đàng và Châu Kỳ. Trong sách là toàn bộ tác phẩm của anh, kỷ niệm của chúng tôi, lời bài hát, hoàn cảnh sáng tác… Nhưng khi sách xuất bản một số ca khúc chưa được cấp phép nên nhà xuất bản chỉ cho in tựa ca khúc mà thôi.
. Hiện việc cấm ca khúc Con đường xưa em đi, có ảnh hưởng đến bà như thế nào?
+ Tôi buồn vì việc ca khúc bị cấm, không chỉ tôi mà người trong nhà đều vậy. Quan trọng nhất là người yêu nhạc Châu Kỳ mất đi một ca khúc, dẫu người ta vẫn có thể hát nhưng không còn chính thống.
. Xin cảm ơn bà.
Tác quyền nhạc sĩ Châu Kỳ mỗi năm trên dưới 100 triệu đồng. Nhiều năm qua tôi sống bằng tiền tác quyền từ nhạc của chồng tôi. Mỗi quý Trung tâm Tác quyền âm nhạc trả phí tác quyển một lần. Quý cao nhất tôi nhận được gần 30 triệu, quý thấp thì cũng mười mấy gần 20 triệu. Tôi cám ơn trung tâm vì nhờ ủy thác qua đó chúng tôi mới có chi phí cho cuộc sống sau này của mình, không chỉ anh Châu Kỳ mà các nhạc sĩ cùng thời: Mặc Thế Nhân, Hoàng Trang, Thanh Sơn… cũng nhờ số tiền tác quyền để sống. |