‘Sang tay’ gói thầu 1.394 tỉ: Chuyện thường?

Từ việc cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi xuất hiện nhiều ổ gà gây xôn xao dư luận, ngay sau đó liên tiếp những tồn tại từ việc đấu thầu xây dựng cho đến chất lượng thi công, công tác sửa chữa… được báo chí rầm rộ phản ánh. Đặc biệt, Thanh tra Bộ GTVT từng thanh tra Công ty Posco Engineering & Construction Co., Ltd (Posco E&C), đơn vị thực hiện gói thầu A5 của dự án, phát hiện đơn vị này sang tay 100% cho nhà thầu phụ. Sự việc một lần nữa khiến dư luận lo lắng về chất lượng các công trình giao thông hiện nay.

Nhà thầu Việt khó cạnh tranh nước ngoài

Về việc sang tay cho nhà thầu phụ như thanh tra chỉ ra, ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), khẳng định nhà thầu quốc tế vào Việt Nam thường thuê nhà thầu phụ. Bởi các công ty này không thể đưa máy móc, thiết bị, nhân công sang thi công được, nếu đưa sang thì giá bỏ thầu sẽ rất cao, không hợp lý như thuê các nhà thầu phụ.

“Vấn đề ở đây là chúng ta quản lý hợp đồng của họ cho chặt. Bên cạnh đó, khi nhà thầu đề xuất nhà thầu phụ, chủ đầu tư cũng phải kiểm tra năng lực thi công của họ chứ không phải muốn làm gì cũng được…” -  ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Về việc Posco E&C sang toàn bộ gói thầu 1.394 tỉ đồng cho nhà thầu phụ, ông Tuấn Anh cho biết đơn vị chịu trách nhiệm chính cho chất lượng công trình vẫn là Posco E&C.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông, cho rằng tình trạng trúng thầu rồi sang tay diễn ra khá nhiều ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân là do khe hở Luật Đấu thầu ở Việt Nam. Cụ thể, đơn vị tham gia đấu thầu phải đủ các tiêu chuẩn như năng lực, doanh thu, kinh nghiệm…, tức là yêu cầu rất cao. Vì vậy, những công trình lớn thường là đơn vị nước ngoài trúng thầu nhưng rồi sau đó cũng sang tay cho nhà thầu Việt Nam.

“Thực tế một số nhà thầu Việt Nam đủ năng lực nhưng chắc chắn hồ sơ sẽ không “đẹp” bằng các đơn vị nước ngoài nên không đủ điều kiện tham gia hoặc không cạnh tranh được. Bên cạnh đó, quy định chống tiêu cực trong đấu thầu đang theo kiểu “chúng ta chống chúng ta”. Ví dụ, một công ty trong Bộ GTVT không được đấu thầu những dự án của đơn vị, cho dù đây có là doanh nghiệp lớn” - TS Đức nói.

Với những bất cập đó, TS Đức cho rằng cần rà soát lại mọi quy định để các nhà thầu Việt Nam có thể tham gia trực tiếp các dự án, không nên để bị các công ty nước ngoài hất văng.

Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đang bị hư hỏng và đọng nước.  Ảnh: TẤN VIỆT

Sang tay toàn bộ gói thầu là phạm luật!

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Lê Cao, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, cho rằng liên quan đến các dự án có nguồn vốn từ ngân sách, nguồn vốn của Nhà nước đi vay từ nước ngoài quan trọng như dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, việc tổ chức công tác đấu thầu phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt từ phía chủ đầu tư theo Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu.

Hiện nay các dự án BOT thiếu công khai, minh bạch nên muốn trúng thầu nhiều nhà thầu thường phải “chạy”. Khi trúng lại phải thuê nhà thầu phụ, như vậy dễ làm đội chi phí lên. Ngoài ra, công tác giám sát kém dẫn đến chất lượng công trình thấp, đây cũng là điều đang diễn ra tại nhiều công trình ở Việt Nam hiện nay.

Ông VÕ ĐẠI LƯỢCnguyên Viện trưởng Viện Kinh tế
chính trị thế giới
 

“Theo Luật Đấu thầu 2005 (sau được thay thế bằng Luật Đấu thầu 2013) thì nhà thầu phụ chỉ được phép thực hiện một phần công việc nhất định từ nhà thầu chính. Trong nhiều trường hợp, ngay tại thời điểm tham gia dự thầu thì nhà thầu chính buộc phải lập danh sách các nhà thầu phụ đủ điều kiện mới được tham gia đấu thầu và nhà thầu chính chỉ được chuyển nhượng thầu cho những nhà thầu phụ trong danh sách mời thầu mà chủ đầu tư đã phê duyệt” - luật sư Cao nói.

Luật sư Cao cũng cho rằng không thể có việc chuyển nhượng thầu đối với các nhà thầu phụ khác một cách tùy tiện khi chưa được chủ đầu tư chấp thuận. Đặc biệt, luật hoàn toàn không cho phép nhà thầu bán toàn bộ 100% gói thầu mà mình ký hợp đồng với chủ đầu tư cho các nhà thầu khác.

“Trường hợp bán thầu cả 100% gói thầu thể hiện việc nhà thầu chỉ như bên môi giới gói thầu để bán lại cho nhà thầu khác thực hiện là điều bị cấm theo khoản 8 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013” - luật sư Cao phân tích.

Do vậy, từ hiện trạng kém chất lượng của dự án, cần rà soát các hoạt động chuyển nhượng thầu trái pháp luật của các bên liên quan, cần xem xét trách nhiệm của doanh nghiệp đại diện nguồn vốn đầu tư cũng như trách nhiệm của các nhà thầu chính bán thầu không hợp pháp. Qua đó, xem xét chế tài nghiêm minh thì mới hạn chế được việc đấu thầu trái pháp luật.

Tiến hành sửa chữa cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi

Ngày 15-10, trên tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đang được tiến hành sửa chữa hư hỏng theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Ghi nhận trên tuyến, các vị trí ổ gà đã hết đọng nước, các công nhân vá tạm thời bằng bê tông nhựa nguội. Tại Km 28 (hướng Tam Kỳ-Đà Nẵng), nhiều công nhân, máy móc tập trung cào bóc lớp nhựa đường để thảm lại.

Tại đây, công nhân đánh dấu phạm vi cắt, dùng máy cào bóc chuyên dụng bóc hết lớp vỏ (VOT) ở làn xe phía ngoài. Sau đó tư vấn giám sát xem xét mức độ hư hỏng. Tư vấn giám sát cho biết nếu lớp bê tông nhựa hạt mịn 5 cm tiếp tục hư hỏng hoặc có dấu hiệu thì sẽ bóc tiếp lớp 5 cm. Các vị trí không bị hư hỏng sẽ giữ lại. Đối với các vị trí ổ gà cục bộ, công nhân bóc cả hai lớp dày tổng 8 cm theo hình quả trám. Phạm vi bóc sẽ do tư vấn giám sát quyết định, tối thiểu bằng bề rộng vệt lu để đảm bảo công tác lu lèn.

TẤN VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới