“Sao” hốt bạc cắc ở tụ điểm bình dân

Kinh tế quá khó khăn, các chương trình ca nhạc hoành tráng, đầu tư kinh phí hàng tỉ đồng, vé mấy triệu đồng tại nhà hát bỗng nhiên mất hút. Sân khấu ca nhạc tại TP.HCM bây giờ gần như chỉ sáng đèn tại các phòng trà, tụ điểm, hoặc các chương trình truyền hình trực tiếp có nhà tài trợ.

“Muốn đến gần mọi tầng lớp khán giả”

Để tránh bị mang tiếng “mất giá” hoặc “xuống cấp”, điệp khúc này được các ca sĩ nổi tiếng nhai đi nhai lại nhiều lần mỗi khi tổ chức các đêm nhạc tại Cầu Vồng - 126, Trống Đồng, Hòa Bình…

Đàm Vĩnh Hưng cũng vậy. Chương trình Tuổi hồng thơ ngây của anh sau khi bán vé tiền triệu tại Nhà hát Thành phố lập tức được tái diễn tại 126 vào đêm 5-5 với giá vé 100.000-200.000 đồng. Khôn hơn các đồng nghiệp, Đàm Vĩnh Hưng đánh vào tâm lý của giới bình dân là sau chương trình này, anh sẽ nghỉ hát hai tháng, nên muốn coi phải coi ngay và “không có sự khác biệt nào về chất lượng nghệ thuật, chỉ có một điều khác biệt là không gian trăng thanh, gió mát chứ không phải máy lạnh như trong nhà hát”.

Công bằng mà nói, lâu nay kiểu làm chương trình của Đàm Vĩnh Hưng và đạo diễn Trần Vi Mỹ đặc biệt “hợp cạ” với giới bình dân hoặc giới lắm tiền nhưng có gu thưởng thức “nghệ thuật bình dân”. Chương trình lần này của anh huy động lượng nghệ sĩ dồi dào cho một “nồi lẩu thập cẩm”: Có Đan Trường, Cẩm Ly và cũng có cả Vũ Hà (anh này giờ chỉ còn có thể đi hát các sân khấu, tụ điểm ca nhạc ở tỉnh), nhóm hài Trung Dân, Bảo Trí, Gia Bảo, cùng vũ đoàn ABC, ABC Kids, Mix.

“Sao” hốt bạc cắc ở tụ điểm bình dân ảnh 1

Khán giả đội mưa xem một chương trình của Đàm Vĩnh Hưng tại tụ điểm ca nhạc Cầu Vồng - 126. Ảnh: NB

Nhưng nếu nói về chuyện “mát tay làm chương trình bình dân”, có lẽ chưa ai qua mặt Thanh Thảo với loạt chương trình ??m ng?n saoĐêm ngàn sao trước đây (mới đổi tên thành Ngàn sao hội tụ, giá vé 150.000 đồng). Thanh Thảo chứng tỏ cô có nhiều chiêu trò trong việc sắp xếp các tiết mục nhiều màu sắc, kể cả việc gây ồn ào bằng những chuyện bên lề. Trong chương trình mới đây tại sân khấu Cầu Vồng -126, Thanh Thảo đã không ngại lấy nước mắt khán giả bằng chuyện ồn ào của cô em Thụy Anh “bỗng dưng có con” với ca sĩ trẻ Ngô Kiến Huy và tranh thủ “tố” Thủy Tiên hủy chương trình vào phút cuối. “Sự kiện” này khiến chương trình còn đọng lại “dư âm” trên các trang báo mạng suốt cả vài tuần sau đó vì những tranh cãi của người trong cuộc.

“Lẩu thập cẩm” sẽ đáp ứng nhiều người

Trước đó, những chương trình như Một thoáng Việt Nam, Đêm hội ngộ sao, Đêm ngàn sao, Bước chân hai thế hệ… cũng góp phần lấp đầy khán giả cho các sân khấu Cầu Vồng - 126, Trống Đồng, rạp Hưng Đạo... với giá vé từ 100.000 đồng trở lên.

Ít ai ngờ một chương trình ca nhạc như Bước chân hai thế hệ của mẹ con NSND Lệ Thủy - Đình Trí thoạt đầu tưởng chỉ có thể tổ chức cầm chừng mà nay đã đến lần thứ chín (diễn ra tại Nhà hát Bến Thành). Đình Trí tuy không giỏi về nghề ca như mẹ nhưng ít nhất đã tạo được thương hiệu riêng với loạt show nhiều tập, đầy đủ tiết mục ca nhạc, vọng cổ, cải lương trong một chương trình.

Chỉ cần nhìn qua băng rôn quảng cáo trước các tụ điểm, người ta có thể thấy ngay công thức “nấu lẩu” cho một chương trình ăn chắc phần thắng với giới khán giả bình dân: Quy tụ các ca sĩ hát nhạc xưa, nhạc trẻ, tấu hài, cải lương, vọng cổ. Tiết mục càng thập cẩm, càng nhiều phong cách chỏi nhau càng “ăn”, vì BTC nhắm đến số đông, với gu thưởng thức nghệ thuật chênh nhau khá xa.

Ca sĩ Đình Trí cho biết: “Những lần tổ chức show trước đều có lời chút chút từ doanh thu bán vé và DVD ghi hình, nên chúng tôi mới có kinh phí làm tiếp chương trình sau. Quan trọng là mình nhắm đúng đối tượng khán giả và điều chỉnh nội dung chương trình hay hơn một chút, lạ hơn một chút. Thử thách lớn nhất là các tiết mục phải khiến khán giả lớn tuổi hài lòng mà khán giả trẻ cũng xem được”.

Đáng lưu ý là thị phần của show bình dân bây giờ gần như thuộc về các công ty tổ chức biểu diễn của ca sĩ nổi tiếng (Thanh Thảo, Đàm Vĩnh Hưng….), hoặc tự sân khấu đó tổ chức, thay vì các đơn vị như Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông (lập kỷ lục tổ chức hơn 500 đêm diễn Một thoáng Việt Nam).

Ca sĩ Thanh Thảo: Chưa hẳn show bình dân là ít tiền

Một show tổ chức tại sân khấu Cầu Vồng - 126 hay Trống Đồng có khi kinh phí dàn dựng cũng không kém so với đưa vào sân khấu Lan Anh vì BTC phải trang bị thêm dàn âm thanh - ánh sáng hoặc tăng cường một số thiết bị tạo hiệu ứng, đèn LED… Tuy nhắm đến số đông khán giả bình dân nhưng nếu bầu “show” làm qua quýt, ráp nối các tiết mục có sẵn thì sẽ mất tiếng, lần sau sẽ khó có khán giả ủng hộ tiếp.

Riêng đối với khán giả bình dân, ca sĩ nên nhớ rằng chính họ mới là những người ủng hộ mình lâu dài và vô tư nhất.

NGÔ BÙI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm