Sắp cải tạo Trường THPT Lê Quý Đôn

“Trường Lê Quý Đôn (cả trường THPT và trường THCS - PV) là công trình cần bảo tồn kiến trúc. Việc cải tạo, sửa chữa, mở rộng phải xem xét dựa trên tổng thể mặt bằng đã xây dựng theo đồ án thiết kế từ năm 1877”. Đó là nội dung thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận về phương án chỉnh trang, mở rộng Trường THPT Lê Quý Đôn (phường 6, quận 3, TP.HCM).

Được biết sau khi chỉnh trang trường THPT, TP sẽ thực hiện tiếp giai đoạn hai là chỉnh trang, cải tạo Trường THCS Lê Quý Đôn.

Đã hết niên hạn sử dụng

Bà Nguyễn Thị Bích Duyên, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết toàn khuôn viên trường hiện có các khu chức năng khác nhau. Qua 140 năm tồn tại, nhiều hạng mục đã xuống cấp trầm trọng, có khả năng sụp đổ nếu tiến hành sửa chữa, dặm vá. Đơn vị xây dựng của Pháp cũng đã thông báo khu A hết niên hạn sử dụng.

Từ năm 1975 đến nay, ngôi trường đã trải qua ba lần sửa chữa. Trước đây, khuôn viên trường vừa là phòng học vừa là nơi ở của học sinh và giáo viên. Sau đó Chính phủ chỉ đạo phải trả lại khuôn viên nhà trường cho việc dạy và học nên các hộ lưu trú trong trường đều phải dời ra ngoài. Đó cũng là thời điểm nhà trường xây thêm dãy phòng học ở khu D. Đồng thời khu B vốn là khu phòng ngủ của học sinh cũng được cải tạo lại thành phòng học.

“Trước đây có rất ít phòng học nên nhà trường cứ thấy chỗ nào trống là tận dụng làm phòng dạy học. Do đó việc quy hoạch thành các khu chức năng hiện nay vẫn còn rất lộn xộn” - bà Duyên thông tin.

Từ sau khi VietinBank và các hộ dân trả lại khu đất 112 Nguyễn Thị Minh Khai, lãnh đạo TP đã có hướng cải tạo, mở rộng khuôn viên trường để phục vụ việc học tập của học sinh.

Một góc trong khuôn viên Trường Lê Quý Đôn. Ảnh: V.HOA

Cải tạo, sửa chữa theo nguyên mẫu

Về chủ trương, UBND TP chấp thuận phương án cải tạo, sửa chữa khu B ngôi trường theo nguyên mẫu, đảm bảo kiến trúc, mỹ thuật… nhằm bảo tồn di tích (không bổ sung hạng mục tầng hầm để xe). TP không chấp thuận xây chen khu E, giữ nguyên hiện trạng khu A, phục chế lại nhà truyền thống, khu hiệu bộ, đồng thời cải tạo nâng cấp công viên cây xanh, bố trí sân chơi, nơi tập thể dục cho học sinh. TP cũng yêu cầu tính toán kỹ khu vực để xe cho giáo viên và học sinh.

Theo bà Duyên, ngôi biệt thự hai tầng được lấy lại từ các hộ dân sẽ được sửa chữa, cải tạo thành phòng truyền thống và các phòng chức năng. Khu B hiện đang xuống cấp trầm trọng nên nhà trường và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quận 3 dự kiến tháo dỡ toàn bộ để xây các phòng chức năng, hầm để xe và căn-tin phục vụ học sinh. Khu E sẽ được cải tạo thành vườn trường với nhiều mảng xanh, có bia tưởng niệm các danh nhân, trí thức nổi tiếng từng học ở trường như Phạm Ngọc Thạch, Trần Đại Nghĩa, Trần Văn Giàu…

Cũng theo bà Duyên, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quận 3 cho biết sẽ thi công cuốn chiếu để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến việc dạy và học. Tuy nhiên, trong trường hợp ảnh hưởng nhiều thì nhà trường sẽ tính phương án thuê địa điểm khác để dạy và học trong thời gian sửa chữa. Hiện UBND TP giao cho UBND quận 3 tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quận 3 khẩn trương hoàn chỉnh lại thiết kế, dự toán để báo cáo TP xem xét quyết định.

Cần Thơ: Xây mới Trường Châu Văn Liêm 99 năm tuổi

Dư luận ở Cần Thơ đang xôn xao về việc Trường THPT Châu Văn Liêm (tiền thân là Collège de Can Tho xây dựng năm 1917) sắp bị đập bỏ để xây mới. Trong năm học tới, học sinh sẽ học tạm tại Trường THPT An Khánh, vốn đang xây dựng dở dang (đến giữa tháng 8-2015 sẽ khánh thành). Nhiều ý kiến cho rằng ngôi trường Châu Văn Liêm là công trình có kiến trúc đặc trưng, có dấu ấn đậm nét trong quá trình hình thành và phát triển của Cần Thơ. Vì thế việc đập bỏ ngôi trường mà không lấy ý kiến các nhà chuyên môn, nhân dân là bất thường.

Chiều 3-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Trọng Khiếm - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết: Việc xây mới Trường THPT Châu Văn Liêm đã được UBND TP Cần Thơ phê duyệt, dự kiến tổng kinh phí thực hiện 98 tỉ đồng. “Khi chọn được nhà thầu thông qua đấu thầu, dự kiến tháng 7 hoặc tháng 8-2015 sẽ khởi công và đến đầu năm 2017 sẽ khánh thành vào đúng dịp 100 năm kỷ niệm thành lập trường”.

Tại sao không tu bổ, nâng cấp Trường THPT Châu Văn Liêm mà lại đập bỏ để xây mới hoàn toàn? Ông Khiếm trả lời: “Từ năm 1987, phía Pháp đã gửi thông báo về việc ngôi trường hết thời hạn sử dụng nhưng do nhiều điều kiện nên đến nay TP mới xây lại được trường. Trước khi đưa ra phương án xây mới hoàn toàn, các ngành chức năng đã khảo sát, đánh giá, thẩm định kỹ càng chất lượng của công trình. Kết quả cho thấy không thể duy tu, sửa chữa hay tôn tạo được nữa. Phía Pháp cũng đã cử đội ngũ chuyên gia qua khảo sát và cũng đánh giá là không thể sửa chữa, tu bổ được. Xin mọi người an tâm, vì khi xây mới thì kiến trúc, quy mô phòng ốc và các dãy phòng học (44 phòng - PV) vẫn sẽ giữ nguyên như cũ”.

GIA TUỆ

Lê Quý Đôn là trường trung học đầu tiên của Sài Gòn, được thành lập năm 1874 với tên gọi Collège Chasseloup-Laubat. Ban đầu trường chỉ dạy các học sinh người Pháp. Đầu thế kỷ 20 mở rộng nhận thêm học sinh người Việt nhưng phải có quốc tịch Pháp.

Năm 1954, trường được đổi tên là Jean Jacques Rousseau, dạy chủ yếu học sinh người Việt nhưng do người Pháp quản lý. Đến năm 1967, nơi này trở thành Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn. Sau năm 1975, trường được tách thành hai cấp học. Trải qua hơn một thế kỷ, kiến trúc mang đậm chất Tây Âu của ngôi trường vẫn gần như nguyên vẹn, gồm bốn dãy nhà hai tầng ghép lại có hình chữ “khẩu”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm