Sập dầm cầu cạn Pháp Vân: Hoàn toàn do lỗi thi công

Ngày 19-4, Công an, VKSND TP Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ dầm cầu cạn Pháp Vân bị sập. Nhận định ban đầu cho thấy đơn vị thi công đã thực hiện sai quy trình kỹ thuật về bảo đảm an toàn cho công trình.

Cầu sập vì không có thanh giằng

Ông Phạm Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT), cho biết sau khi tai nạn xảy ra, đơn vị đã kiểm tra toàn bộ công trình và nhận thấy một thanh dầm (dựng đứng) của công trình đã gặp phải sự cố, dẫn đến kéo đổ thêm ba thanh dầm khác. Ngoài ra, nhiều thanh chống (bằng gỗ) được thiết kế để đỡ dầm cầu được đặt khá ẩu. Thậm chí có những thanh chỉ đặt dựa vào chứ không hề có tác dụng chống đỡ, bảo đảm độ vững chắc. Đáng lưu ý, khi tai nạn xảy ra (ngày 18-4), thực tế hiện trường cho thấy có khá nhiều dầm đứng không có các thanh gỗ chống đứng nhưng đến sáng 19-4, hầu hết các thanh dầm đều đã được đặt thêm các thanh chống đỡ khá chắc chắn.

Cũng theo ông Bình, nhiều thanh giằng liên kết ngang giữa các dầm với nhau không hề có. “Có thể tại khu vực xảy ra sự cố, nhà thầu chuẩn bị làm dầm ngang nên công nhân đã tháo các móc lối liên kết ra. Cũng có thể các dầm này đã bị đặt lệch tâm nên khi mất các thanh giằng thì sự liên kết không còn, dẫn đến bị đổ sập” - ông Bình nhận định.

Trong khi đó, một số chuyên gia xây dựng khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM cho rằng việc nhà thầu không tiến hành đặt cùng lúc các thanh dầm đứng và thanh dầm ngang đã khiến cho công trình bị mất an toàn nghiêm trọng. “Có thể họ đã bị sức ép tiến độ phải hoàn thành trước dịp đại lễ ngàn năm Thăng Long nên mới thực hiện biện pháp thi công cuốn chiếu, tức là đặt hết thanh dầm đứng rồi mới làm liên kết và đặt dầm ngang dẫn đến mất an toàn” - một vị nói.

Sập dầm cầu cạn Pháp Vân: Hoàn toàn do lỗi thi công ảnh 1

Lực lượng công an khám nghiệm hiện trường vụ sập bốn dầm cầu Pháp Vân. Ảnh: THÀNH VĂN

Thừa nhận việc nhà thầu đã thực hiện biện pháp thi công bằng hình thức cuốn chiếu nhưng ông Bình cho rằng biện pháp đó là hoàn toàn phù hợp và nhà thầu cũng không chịu bất kỳ một sức ép tiến độ nào.

Nhà thầu phải chịu trách nhiệm

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của ban quản lý cũng như tư vấn giám sát trong việc để xảy ra tình trạng trên, ông Bình khẳng định các đơn vị đã hoàn toàn làm đúng trách nhiệm được giao. Ông Bình cho biết khi nhà thầu tổ chức biện pháp thi công cuốn chiếu và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, ban và đơn vị tư vấn giám sát cũng đã phát hiện ra một số thiếu sót của nhà thầu và đã có văn bản nhắc nhở.

“Chúng tôi đã có hàng chục lần nhắc nhở, yêu cầu nhà thầu phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho các dầm cầu nhưng nhà thầu không thực hiện, hoặc có cải thiện không đáng kể. Do đó, lỗi để xảy ra sự cố trên hoàn toàn là do lỗi thi công” - ông Bình nhấn mạnh.

Khi được hỏi tiếp rằng nếu nhắc nhở nhiều lần nhưng nhà thầu không thực hiện, tại sao ban và tư vấn giám sát không có biện pháp xử lý mạnh hơn, ông Bình nói: “Trong hợp đồng xây dựng đã có quy định cụ thể. Vì thế, ban và tư vấn đã nhắc nhở nhưng nhà thầu không thực hiện thì họ sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng ban quản lý và đơn vị tư vấn đã chưa làm tròn trách nhiệm. Vì nếu đã nhắc nhở nhiều lần mà nhà thầu vẫn vi phạm thì ban quản lý dự án và đơn vị tư vấn hoàn toàn có đủ thẩm quyền để yêu cầu đình chỉ thi công, khi nào khắc phục xong và đảm bảo an toàn thì mới cho thi công tiếp. Thậm chí, vi phạm nghiêm trọng thì hoàn toàn có đủ thẩm quyền cắt hợp đồng…

Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng vụ rơi bốn dầm cầu

Chiều 19-4, Bộ GTVT có thông cáo gửi các cơ quan báo chí và báo cáo Thủ tướng về vụ việc trên.

Bộ cho rằng trong quá trình thi công nhà thầu đã sơ suất. Cụ thể, hệ mặt cầu gồm các dầm dọc bê tông cốt thép được đúc sẵn, lắp đặt lên trụ và được liên kết bằng các dầm ngang đổ tại chỗ. Trong khi chuẩn bị thi công các dầm ngang, nhà thầu đã kê kích tạm nhằm ổn định các dầm dọc bằng các thanh chống gỗ. Tuy nhiên, nhà thầu không thi công ngay dầm ngang và thời gian kê kích tạm thời dài làm một phiến dầm đổ nghiêng kéo theo các dầm khác rơi xuống… Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân và có văn bản báo cáo Bộ trước ngày 24-4.

---------------------------------------------------------------------------------

Do sơ suất nhỏ (?!)

Để sập bốn dầm cầu này là do sơ xuất nhỏ trong quá trình lao dầm và gắn kết các dầm với nhau. Việc gác hàn và chống đỡ dầm sau khi đưa lên trụ cầu từ trước đến nay chưa có một tiêu chuẩn kỹ thuật nào hướng dẫn các đơn vị thi công. Bốn thanh dầm vừa sập được đơn vị gác lên trụ cầu từ 4-12-2009. Theo phương án thi công ban đầu, chúng tôi hàn nối với nhau bằng những thanh sắt và dùng những cọc gỗ chống đỡ cho khỏi đổ. Nhưng có thể do tác động của ngoại lực và thời gian nên các mối hàn bị gỉ dẫn đến việc một trong các dầm cầu này bị trượt khỏi trụ, kéo theo những dầm khác.

Ông NGUYỄN ĐỨC Ý, Giám đốc Công ty Cầu 7 Thăng Long (đơn vị thi công công trình)

Không phải do chất lượng dầm cầu

Việc gãy bốn thanh dầm cầu ở cầu cạn Pháp Vân là một lỗi thi công. Dầm này cao 1,75 m, khi muốn cho dầm đứng yên thì phải chống ở hai bên. Nhưng theo báo cáo thì cột chống bằng gỗ bị kém chất lượng nên bị gãy đổ. Rõ ràng chất lượng vật liệu chống dầm cầu ở đây không tốt. Nếu cẩn thận thì những thanh chống đó phải được làm bằng thép và được hàn neo vào cẩn thận. Sau khi đổ bê tông cấu kết mới cắt những thanh thép chống này ra. Như vậy thì dầm cầu không thể bị đổ.

Cần lưu ý, việc gãy dầm cầu không phải do chất lượng dầm cầu kém. Bởi trong quá trình thi công dầm cầu đã qua nhiều lần nghiệm thu chất lượng. Nếu chất lượng dầm cầu kém thì đã bị phát hiện và đã bị hỏng ngay từ khi kéo cốt thép.

Ông BÙI TRUNG DUNG, Phó Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm