Kỹ sư Maud Dupeyrat, 33 tuổi, người phụ trách dự án này tại Trung tâm nghiên cứu hàng không vũ trụ quốc gia Pháp (Onera), cho biết mô hình đường băng tròn như thế sẽ tạo thuận lợi cho các loại máy bay cỡ lớn như A380 đi và đến dễ dàng. Bởi những chiếc máy bay loại này sẽ cần đường băng thẳng rất dài nhưng đối với đường băng tròn, máy bay có thể chạy bao nhiêu vòng cũng được: yếu tố độ dài cần thiết của đường băng sẽ được loại trừ. Và theo tính toán, trong điều kiện gió nhẹ, ba máy bay hạng nặng có thể cất hoặc hạ cánh cùng một thời điểm trên đường băng hình tròn.
Tuy nhiên, phi công cũng sẽ phải được đào tạo bổ sung mới có thể sử dụng được kiểu đường băng mới này. Về phía hành khách, họ sẽ cảm nhận được lực ly tâm khi máy bay cất và hạ cánh, tương tự khi ngồi trên một chiếc xe hơi đang lên hoặc đổ dốc đèo ở những đoạn quanh co, khúc khuỷu.
Về chi phí xây dựng, hẳn nhiên sẽ đắt hơn 110%-160% so với sân bay theo kiểu truyền thống do thiết kế phức tạp hơn, như phải có thêm hệ thống đường hầm bên dưới đường băng để hành khách đến khu vực lên máy bay nằm ngay giữa trung tâm của sân bay tròn.
Mặc dù hiện nay dự án này vẫn còn nằm trên giấy, song kỹ sư Maud Dupeyrat tin tưởng rằng trong tương lai mô hình đường băng tròn của ông sẽ rất phù hợp cho những sân bay được xây dựng gần các TP lớn với lợi điểm là không chiếm nhiều diện tích đất như sân bay truyền thống mà chúng ta đang sử dụng hiện nay.