Nhân đọc bài “Phải nghiêm từ dạy đến phạt người lái xe” (báo Pháp Luật TP.HCM ngày 15-12)
Ngoài ra, giáo trình dạy đạo đức cho người lái xe chưa hoàn thiện; cách truyền đạt kiến thức pháp luật giao thông chưa sinh động, cụ thể. Từ các nguyên nhân này mà có nhiều tài xế chạy ẩu tả, chạy theo thói quen chứ không chạy theo luật, dễ gây ra tai nạn. Hoàn toàn đồng tình với các nhận xét này nhưng theo tôi, Bộ Giao thông Vận tải cần bổ sung thêm một nguyên nhân nữa. Đó là công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe còn rất lỏng lẻo khiến các giấy phép lái xe trở thành mất giá trị!
Đối với xe gắn máy, tôi được biết có nhiều đường dây “bao đậu”. Thí sinh không cần tham dự khóa học, chỉ cần có mặt tại buổi ôn tập và buổi thi. Tại buổi ôn tập, các thí sinh sẽ được hướng dẫn mẹo chọn đáp án cho các câu hỏi trắc nghiệm để qua được phần thi lý thuyết. Đến phần thi thực hành, các thi sinh hoàn toàn có thể yên tâm lái sao cũng được “qua phà”, nhất là đối với các thí sinh nữ. Với kiểu học, thi mà thực chất là mua bằng này, lấy đâu ra nhiều người lái xe biết cách chạy đúng luật!
Đối với xe ôtô, tiếng là phải học ít nhất vài tháng, phải qua hai vòng thi lý thuyết và sát hạch nhưng trên thực tế thì không quá khó để lấy được bằng lái. Nếu trực tiếp đi thi, thí sinh có thể nhờ “bao phần luật” và chỉ còn phải đương đầu với quy trình sát hạch bằng máy tính vốn khó khăn hơn cách chấm thi có phần chủ quan của ban giám khảo trước đây. Trường hợp thấy khó khăn quá, thí sinh có thể nhờ người khác thi giùm (?!).
Còn nhớ trước đây, báo chí có đưa tin một phụ nữ Hàn Quốc phải trầy vi tróc vảy đến 950 lần mới vượt qua được phần thi lý thuyết lấy bằng lái xe tải. Có thể đó là trường hợp cá biệt nhưng cũng đủ để thấy rằng ở xứ người khó có chuyện mua bằng lái. Nếu Bộ Giao thông Vận tải không khẩn trương siết chặt khâu sát hạch cấp giấy phép lái xe các loại thì e rằng rất khó kéo giảm số người vi phạm luật giao thông bởi nhiều người tuy có bằng thật nhưng học... giả.
LẠI TUYẾT (huyện Nhà Bè)