Sau 20 năm triển khai, cầu Long Kiểng sắp về đích

(PLO)- Sau 20 năm triển khai và ba năm ngưng thi công do thiếu mặt bằng, cầu Long Kiểng đang ráo riết thực hiện các hạng mục chính để về đích trong năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kể từ sau buổi lễ bàn giao mặt bằng dự án cầu Long Kiểng giữa UBND huyện Nhà Bè và Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông), hai bên đã đặt mục tiêu phải về đích theo kế hoạch mới (tức ngày 31-12). Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Ban giao thông cho biết dự án xây dựng cầu Long Kiểng sẽ về đích sớm hơn kế hoạch ba tháng.

Công tác giải phóng mặt bằng dự án cầu Long Kiểng đã được hoàn tất. Ảnh: Đ.TRANG

Công tác giải phóng mặt bằng dự án cầu Long Kiểng đã được hoàn tất. Ảnh: Đ.TRANG

Đang tích cực triển khai thi công

Dự án cầu Long Kiểng nằm trên đường Lê Văn Lương - tuyến đường kết nối tỉnh Long An, huyện Nhà Bè với quận 7 và trung tâm TP. Cầu được phê duyệt năm 2001 và khởi công vào năm 2018 nhưng sau đó tạm ngưng thi công do thiếu mặt bằng. Tháng 9-2022, cầu đã bắt đầu khởi công trở lại.

Tại công trường cầu Long Kiểng, các công nhân đang tích cực thi công. Trong đó, các công nhân, kỹ sư đang tập trung thực hiện giai đoạn gác dầm. Một toán thi công khác tiến hành ép cọc làm đường dẫn lên cầu. Tất cả hạng mục liên quan đến cầu chính cũng đang được triển khai gấp rút. Song song các hạng mục như di dời hạ tầng kỹ thuật cũng được đơn vị thi công triển khai đồng bộ.

Trong quá trình thi công, chủ đầu tư cũng đã phân luồng giao thông, làm đường dân sinh để đảm bảo việc đi lại, phục vụ người dân trên tuyến đường Lê Văn Lương.

Ban giao thông cho biết dự án đầu tư xây dựng cầu Long Kiểng có 128 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Đến nay huyện Nhà Bè đã cơ bản bàn giao mặt bằng đầy đủ cho chủ đầu tư. Ban giao thông cũng cho biết hiện tiến độ dự án đang đạt hơn 75%.

Dự án cầu Long Kiểng có 128 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay, huyện Nhà Bè đã cơ bản bàn giao mặt bằng đầy đủ cho chủ đầu tư.

Vẫn còn nhiều cây cầu sớm triển khai

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban giao thông, cho biết sau buổi lễ bàn giao mặt bằng đặc biệt giữa Ban giao thông và huyện Nhà Bè, chủ đầu tư đã lập lại mốc tiến độ thi công.

Sau gần 20 năm triển khai, với bốn điều chỉnh tổng mức đầu tư và nhiều năm tạm ngưng thi công, đến nay chủ đầu tư đã bám sát tiến độ dự án. Hiện chủ đầu tư đang tăng tốc, bứt phá để đưa dự án xây dựng cầu Long Kiểng về đích sớm hơn tiến độ.

“Lễ ký kết bàn giao mặt bằng cũng chính là lời cam kết của Ban giao thông với bà con nhân dân và chính quyền địa phương về mốc tiến độ dự án. Đến nay dự án cầu Long Kiểng đã nắm vững tiến độ, dự kiến hoàn thành sớm hơn ba tháng so với kế hoạch đề ra” - ông Phúc chia sẻ.

UBND huyện Nhà Bè cho biết bên cạnh dự án cầu Long Kiểng, trên đường Lê Văn Lương hiện vẫn còn một số cây cầu gây “cản trở” giao thông như Rạch Đĩa, Rạch Tôm, Rạch Dơi. Các cây cầu trên đều là cầu sắt, có khổ cầu chỉ rộng 3-3,3 m và không có lề bộ hành, theo đó vào giờ cao điểm thường xuyên bị ùn ứ giao thông.

Các dự án cầu này cũng đang được Ban giao thông và huyện Nhà Bè ưu tiên thực hiện trong thời gian tới nhằm tăng kết nối vùng. Cụ thể, hai bên phối hợp trong việc điều chỉnh quy hoạch, lập quy hoạch dự án, phương án giải phóng mặt bằng... Sau đó sẽ tiến hành đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng.

Bên cạnh đó, đường Lê Văn Lương cũng được huyện Nhà Bè chuẩn bị vốn đầu tư, nâng cấp, mở rộng trong thời gian tới. UBND huyện này đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ hoàn thành dự án mở rộng đường Lê Văn Lương cùng các cây cầu trên đường này. Đây cũng là cơ sở để huyện đạt các tiêu chí về giao thông, chuyển đổi từ huyện lên quận hoặc từ TP trực thuộc TP.HCM.•

Kỳ vọng đường Lê Văn Lương kết nối TP.HCM và Long An

Cầu Long Kiểng sẽ về đích vào quý III năm nay. Ảnh: Đ.TRANG

Cầu Long Kiểng sẽ về đích vào quý III năm nay. Ảnh: Đ.TRANG

TP.HCM và Long An đưa ra nhiều dự án trọng điểm nhằm tạo sự đồng bộ với TP.HCM, thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Long An và các tỉnh lân cận.

Trong đó, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM mong muốn sớm kết nối với TP.HCM thông qua đường Lê Văn Lương. Khi tuyến đường này được nâng cấp, mở rộng sẽ tạo điều kiện để vận chuyển hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, tỉnh Long An cũng mong muốn sớm kết nối tuyến ĐT826E dẫn vào cầu Rạch Dơi, dài 2 km. Theo Sở GTVT tỉnh Long An, đây là tuyến đường mới hoàn toàn, tuyến đường sẽ kết nối với tuyến Tân Lập - Long Hậu với đường vành đai 4, đường vành đai 3 và cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).

Tiếp đến là dự án ĐT827E có điểm đầu là vòng xoay ngã năm Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc) và điểm cuối là Vàm Cỏ Đông, chiều dài gần 16 km (tổng mức đầu tư 2.153 tỉ đồng). Dự án này sẽ kết nối đường Tây Nam TP.HCM từ đường Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh đến Cần Giuộc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm