Để hiện thực hóa 220 km đường sắt đô thị (ĐSĐT) trong 12 năm theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị, TP.HCM ngay lập tức rà soát, lên kế hoạch và lộ trình thực hiện tám tuyến ĐSĐT xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của TP cùng ba tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray.
Sự quyết tâm trên càng mạnh mẽ hơn khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM, trong đó có nhiều cơ chế để phát triển ĐSĐT. Để từ đó, TP và Ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR) đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để bàn cách thực hiện cho bằng được nhiệm vụ của Bộ Chính trị đề ra.
Các phương án được đưa ra bao gồm cách triển khai, huy động vốn, phương thức quản lý, đấu thầu… tất cả phải thay đổi và rút kinh nghiệm từ tuyến metro số 1.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cũng từng nói rằng không có một đô thị nào trên thế giới mà không có ĐSĐT, ĐSĐT vừa để phát triển đô thị, vừa giải quyết tình trạng ùn ứ. Vì vậy, TP buộc phải có giao thông công cộng và hệ thống ĐSĐT là xương sống để kết nối giao thông.
Vì lẽ đó, ngay sau khi Nghị quyết 98 được thông qua, sở đã bắt tay vào việc tiếp tục hiện thực các tuyến metro mới. Cụ thể là tổ chức nhiều cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị tư vấn để thảo luận, đánh giá các ưu điểm của việc phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development - định hướng phát triển giao thông công cộng gắn với phát triển đô thị). Và từ đó TP đã đặt ra yêu cầu rà soát quỹ đất dọc tuyến metro số 1, đường vành đai 2 và vành đai 3 để đấu giá đất, tạo nguồn lực mạnh cho việc tái đầu tư các tuyến metro, từng bước hoàn thiện hệ thống ĐSĐT.
Ngoài 220 km ĐSĐT này, TP.HCM còn mong muốn có nhiều tuyến ĐSĐT hơn nữa. Cụ thể, TP dự kiến đề xuất điều chỉnh quy hoạch metro TP.HCM đến năm 2035 tăng lên 400 km và sau năm 2035 là khoảng 800-1.000 km.
Là một người theo dõi và nghiên cứu nhiều về ĐSĐT, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải, Trường ĐH Việt Đức, cho biết chưa bao giờ TP lại có quyết tâm cao đến vậy. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cách làm mới, phương thức mới và cả cách huy động vốn, TP sẽ sớm hoàn thiện hệ thống đsđt hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển cho một siêu đô thị đặc biệt như TP.HCM.