Sáng 23-12, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học “40 năm Cần Giờ (Duyên Hải), TP.HCM thành quả và kinh nghiệm”.
Tại đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhìn nhận sau khi huyện Duyên Hải (Cần Giờ ngày nay) được sáp nhập vào lại TP.HCM (29-12-1978), Đảng bộ và nhân dân Cần Giờ đã nỗ lực rất nhiều để giải quyết tình trạng thiếu đói, giữ gìn an ninh trật tự.
Được sự quan tâm, hỗ trợ, chi viện của toàn TP và Trung ương, Cần Giờ đã phát huy tính năng động sáng tạo, đề ra nhiều giải pháp chủ trương, biến những ước mơ trở thành hiện thực, đạt được những thành quả đáng tự hào, làm thay đổi sâu sắc đời sống và bộ mặt của huyện.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu trong Hội thảo khoa học “40 năm Cần Giờ (Duyên Hải), TP.HCM thành quả và kinh nghiệm”. Ảnh: L.THOA
Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định việc Cần Giờ được sáp nhập vào lại TP.HCM là quyết định lịch sử, có tầm chiến lược. Để TP là một đô thị có biển, phát triển được kinh tế, văn hóa, tiềm lực quốc phòng.
Bí thư nhìn nhận những thành tựu cụ thể mà Cần Giờ đã đạt được phải kể đến việc hoàn thiện hệ thống đường kết nối Cần Giờ với Nhà Bè và nội thành TP, tạo nên trục đường xương sống. Đưa điện về với Cần Giờ, chấm dứt tình trạng đèn dầu leo lét hơn 100 năm (từ năm 1975 đến 1990). Sau đó là xây đê chắn sóng khu vực Long Hòa, hay di dời gần 1.000 hộ dân xã Tam Thôn Hiệp sinh sống trong rừng phòng hộ ra bên ngoài…
Bà Phạm Phương Thảo, cựu Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, nhìn nhận những điều lớn nhất mà Cần Giờ có được sau hơn 40 năm được người dân thừa nhận đó chính là: Rừng, đường, điện, nước… Ảnh: L.THOA
Sau đây là một số thành tựu mà huyện Cần Giờ đã đạt được, được nhiều đại biểu nhìn nhận:
Một là, ngay từ khi sáp nhập trở về TP.HCM (năm 1978), việc trồng lại rừng được triển khai sớm nhất. Ngày 25-8-1978, huyện tổ chức ra quân trồng rừng, huy động 19.475 ngày công lao động, sau hơn một tháng trồng được 3.161 ha, mở đầu cho việc khôi phục và phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Đến ngày 22-1-2000, rừng ngập mặn Cần Giờ đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam, nằm trong mạng lưới 368 khu dự trữ sinh quyển của thế giới, với tổng diện tích 38.556 ha (trong đó có 30.162 ha rừng phòng hộ gồm 8.912 ha rừng tự nhiên tái sinh, 1.000 ha rừng trồng tự túc của dân và 20.250 ha rừng trồng lại từ năm 1978).
Hai là, hoàn thành công trình xây dựng đường Nhà Bè - Duyên Hải kết nối giữa Cần Giờ và nội thành TP. Đây được xem là con đường của ý Đảng lòng dân, đã tạo ra con đường xuyên Rừng Sác đầm lầy, con đường mà bao người mơ ước.
Theo đó, đường Nhà Bè - Duyên Hải được chính thức khánh thành ngày 29-4-1986, dài 36 km, có chín cầu và hai phà, tạo thuận lợi cho huyện thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội, khai thác tiềm năng kinh tế biển, du lịch sinh thái biển, sinh thái rừng để thu hút khách du lịch đến với Cần Giờ. Đến năm 2001, TP tiếp tục đầu tư, nâng cấp đường Nhà Bè-Duyên Hải thành đại lộ Rừng Sác, với bốn làn xe, tăng năng lực kết nối giao thông thuận lợi hơn.
Ba là, công trình kéo được điện lưới quốc gia, vượt biển về với huyện Cần Giờ vào năm 1990 và đến năm 2015 thì phủ kín toàn huyện, chấm dứt tình trạng đèn dầu le lói giữa màn đêm trong lòng dân.
Bốn là, năm 2011, công trình cung cấp nước ngọt cho Cần giờ được khánh thành, đáp ứng niềm mơ ước có nước ngọt của người dân ở đây. Trước đây, người dân Cần Giờ không có nước tại chỗ, phải chở từ rất xa về.
Năm là, công trình kè đá chắn sóng biển khu vực Cần Thạnh - Long Hòa là khởi đầu cho việc xây dựng cả hệ thống đê biển đê sông, sau đó thực hiện các công trình ngăn sạt lở bờ sông ở các xã phía bắc. Từ đó, phục vụ cho việc trồng trọt, nuôi thủy sản, làm muối của người dân.
Sáu là, chương trình di dời, bố trí lại dân cư, xóa đói giảm nghèo. Trong đó gần 1.000 hộ dân xã Tam Thôn Hiệp sinh sống trong rừng phòng hộ, đi lại khó khăn chỉ bằng đường thủy, không có điều kiện phát triển đã được di dời về đất liền, hình thành trung tâm xã mới.