Sau cuộc gọi điện thoại, 1 giáo viên ở Kon Tum bị lừa 1,1 tỉ đồng

(PLO)- Thông qua cuộc gọi và internet, hai giáo viên ở Kon Tum bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền gần 1,4 tỉ đồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-10, ông Hà Tiến, Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum), cho biết đã yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra vụ việc hai giáo viên trên địa bàn bị lừa đảo số tiền rất lớn.

Theo đó, hai giáo viên bị lừa, gồm thầy LVL (Trường THCS thị trấn Đăk Hà, xã Hà Mòn) bị lừa, chiếm đoạt 1,1 tỉ đồng và cô HTTS (Trường THPT Trần Quốc Tuấn) bị lừa 270 triệu đồng.

Giao-vien-bi-lua-dao-qua-mang-mat-tien-ti-ơ-Dak-Ha-Kon-Tum 1.jpg
Phòng GD&ĐT báo cáo sự việc giáo viên bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên UBND huyện Đăk Hà. Ảnh: LK.

Theo tường trình của thầy L, khoảng 9 giờ ngày 5-10, có một người lạ tự xưng tên Nguyễn Văn Tài, Trung úy Công an tỉnh Kon Tum gọi điện báo số căn cước công dân của thầy bị người ở Hà Nội đánh cắp và sử dụng mở tài khoản ngân hàng buôn bán ma túy. Hiện vụ việc đang được Bộ Công an vào cuộc điều tra, thu giữ nhiều heroin và 20 tỉ đồng.

Sau đó, người này liên tục dùng năm số điện thoại khác nhau để liên hệ và yêu cầu thầy L cung cấp thông tin cá nhân và người thân gia đình. Đồng thời, yêu cầu thầy L không được báo sự việc cho ai biết do vụ việc đang được Bộ Công an tra, mọi thông tin phải bí mật.

Tiếp đó, người này đe dọa và đưa ra hai phương án cho thầy L chọn, thứ nhất là nộp vào tài khoản ít nhất một tỉ đồng để minh oan; thứ hai là bị Bộ Công an bắt giam để phục vụ điều tra, thời hạn bị giam giữ ít nhất là 90 ngày.

Do quá hoảng sợ sẽ bị bắt giam, ảnh hưởng công việc và gia đình nên thầy L nghe theo đối tượng này hướng dẫn đi mua điện thoại mới, sim mới và vay mượn 1,1 tỉ đồng nộp vào tài khoản của mình. Đối tượng này yêu cầu thầy L trong vòng ba ngày không được đăng nhập vào kiểm tra tài khoản vì sợ lọt thông tin điều tra của công an.

Thậm chí, người này còn hướng dẫn thầy L ở một mình, đừng báo sự việc cho ai, ngay cả vợ cũng không được, nếu đói thì mua bánh mì ăn.

Chưa dừng lại, đối tượng này còn yêu cầu thầy L nộp thêm 200 triệu để cán bộ công an thuê luật sư bào chữa giúp. Do không còn tiền, sự việc bức bí quá nên thầy L báo cho vợ thì mới biết đã bị lừa.

Giao-vien-bi-lua-dao-qua-mang-mat-tien-ti-ơ-Dak-Ha-Kon-Tum.jpg
Thầy L tường trình sự việc mình bị lừa đảo, chiếm đoạt mất 1,1 tỉ đồng.

Trường hợp của cô HTTS (Trường THPT Trần Quốc Tuấn) bị lừa 270 triệu đồng xảy ra trên không gian mạng internet. Cụ thể, ngày 9-10, cô S đăng ký tham gia chương trình bình chọn cho ca sỹ trên Zing.MP3. Ban đầu, số tiền đăng ký tham gia bình chọn là 300.000 đồng, sau đó trang này xuất hiện thêm nhiều nhiệm vụ và số tiền bình chọn tăng lên 100 triệu đồng.

Sau khi thực hiện xong các thao tác bình chọn, có một nhân viên hướng dẫn cô S rằng “muốn lấy lại 100 triệu đồng người chơi phải nộp vào thêm 220 triệu đồng”. Đồng thời, người này nói cho cô S mượn 50 triệu để nộp vào tài khoản. Nghĩ sẽ lấy được tiền nên cô S đi vay mượn, nộp vào 170 triệu đồng.

Sau đó, có một nhân viên liên hệ thông báo với cô S là đã nộp nhầm tài khoản ID và yêu cầu cô S nộp thêm 275 triệu đồng sẽ được nhận lại 800 triệu đồng. Tiếp đó, liên tục hối thúc cô S gom tiền nộp tiền vào tài khoản.

“Lúc này tôi không có tiền để nộp nữa và nhận ra mình đã bị lừa nên báo cơ quan công an”, cô S trình bày.

Trao đổi với PLO, bà Lê Thị Nhung, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đăk Hà, xác nhận trên địa bàn có hai trường hợp giáo viên bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Bước đầu, phòng đã nắm bắt thông tin, riêng trường hợp thuộc quản lý phòng thì đã nhận được báo cáo tường trình của giáo viên.

“Sự việc này, phòng đã báo cáo lên huyện và cấp trên nắm tình hình. Đồng thời, có văn bản gửi đến các trường học trên địa bàn, khuyến cáo cán bộ, viên chức, người lao động và học sinh thận trọng, tránh bị lừa đảo trên không gian mạng”, bà Nhung nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm