Sau cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ về xăng dầu, Bộ trưởng Công Thương nói gì?

(PLO)- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định cung xăng dầu là đủ, và thiếu cục bộ là do chi phí chưa cập nhật đầy đủ.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tối 11-11, sau cuộc họp của lãnh đạo Chính phủ với các bộ, ngành, doanh nghiệp về điều hành xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc trao đổi với báo chí về tình hình thị trường xăng dầu.

Nguồn cung xăng dầu không thiếu

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, về nguồn cung, theo báo cáo của Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hai nhà máy lọc dầu trong nước đã đạt tổng sản lượng 12,9 triệu tấn xăng dầu thành phẩm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời báo chí sau cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ về điều hành xăng dầu chiều 11-11. Ảnh: VGP

Theo số liệu của cơ quan chức năng về xuất nhập khẩu thì 10 tháng năm 2022 các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu đã nhập 5,7 triệu tấn xăng dầu.

Như vậy, tổng nguồn xăng dầu cho đến giờ này là 18,6 triệu tấn đạt trên dưới 90% nhu cầu tiêu dùng trong cả năm.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn bị đứt gãy nguồn cung xăng dầu ở một số phân khúc. Vì vậy Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý theo quy định của pháp luật các hành vi đầu cơ, trục lợi, găm hàng chờ tăng giá hoặc là các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Thiếu xăng dầu cục bộ do chi phí xăng dầu chưa cập nhật đầy đủ

Theo Bộ trưởng Diên, cuộc họp thống nhất nguyên nhân chính của hiện tượng các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối hạn chế xuất hàng, hạn chế bán ra là do các định mức chi phí và các định mức chi phí phát sinh trong bối cảnh rất dị biệt của thị trường xăng dầu hiện nay chưa được cập nhật đầy đủ kịp thời trong công thức tính giá cơ sở.

Vì vậy, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, rà soát và cập nhật các chi phí phát sinh thực tế đó để liên Bộ điều hành giá bán lẻ phù hợp với diễn biến của thị trường thế giới.

Chính phủ cũng giao cho liên Bộ điều hành hợp lý, hiệu quả Quỹ bình ổn xăng dầu để góp phần ổn định thị trường xăng dầu trong nước.

Người dân Hà Nội xếp hàng dài chờ đổ xăng sáng 11-11. Ảnh: AH

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Diên cho biết Chính phủ cũng giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, bảo đảm khách quan, trung thực và góp phần ổn định vững chắc thị trường xăng dầu trong nước.

Giao Bộ Công an tăng cường nắm bắt thông tin và điều tra xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm pháp luật hoặc tung tin giả, gây nhiễu loạn thị trường.

Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Nghị định số 95/2021 về kinh doanh xăng dầu để khắc phục những bất cập, hạn chế đã bộc lộ ra trong thời gian gần đây theo trình tự thủ tục rút gọn; hoàn thiện Đề án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu theo chủ trương của cấp có thẩm quyền.

Như PLO đã phản ánh, vấn đề mấu chốt giải quyết tình trạng cửa hàng xăng dầu đóng cửa là phải điều chỉnh lại chi phí nhất định trong kinh doanh xăng dầu để các doanh nghiệp bán hết số xăng dầu mua giá cao trong thời gian trước đó. Bởi nếu điều chỉnh mà không tính đến việc họ đã mua xăng dầu giá đắt rồi phải bán với giá thấp, không được chiết khấu thì tình trạng đóng cửa vẫn diễn ra, an ninh xăng dầu vẫn bị đe dọa.

Kỳ điều hành giá ngày 11-11, Bộ Tài chính đã điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu. Chuyên gia, doanh nghiệp ghi nhận việc điều chỉnh sớm này, thay vì đợi đến 1-1-2023 mới điều chỉnh, đã giúp giải quyết một phần khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng vẫn chưa đủ.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng quan trọng nhất vẫn là khoản chênh lệch giá, phụ phí. Có những hợp đồng mua tháng 11, 12 không phải là 5-6 USD mà là 11 USD nên doanh nghiệp vẫn đang lỗ tương ứng 5-6 USD/thùng. Do đó, đây vẫn là vấn đề cần phải xem xét để giải quyết thấu đáo trong thời gian tới.

PGS.TS Ngô Trí Long cũng cho rằng cơ cấu giá bán xăng dầu hiện nay cần xác định hợp lý, sát với thực tế thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại được. Tình hình giá xăng dầu thế giới có chiều hướng tăng cao, thì trong nước cũng phải xem xét lại chính sách thuế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.

Một điều quan trọng nữa là sự phối hợp giữa các bộ, ban ngành phải hết sức nhịp nhàng và có sự đồng thuận cao, quyết liệt, khẩn trương.

“Tôi biết vì sao Bộ Tài chính lại rất đắn đo khi điều chỉnh lại mức chi phí kinh doanh. Là vì điều chỉnh mức chi phí kinh doanh nếu tăng lên trong bối cảnh nó phải tăng thì sẽ ảnh hưởng tới mặt bằng giá. Xăng dầu là một mặt hàng rất nhạy cảm cho nên người ta cũng sợ trách nhiệm...” - ông Long nêu ý kiến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới