Giải bài toán chi phí kinh doanh xăng dầu được xem là một trong những vấn đề mấu chốt nhất để chấm dứt tình trạng đứt gãy nguồn cung, giúp các đơn vị kinh doanh xăng dầu bớt lỗ, đóng cửa nghỉ bán. Thế nhưng đến nay vấn đề mấu chốt này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Nhiều khoản phí vẫn chưa được tính
Ngày 8-11 vừa qua, Bộ Tài chính đã công bố chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu (đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu) tăng 5%-83%, tương ứng với tăng 60-660 đồng/lít hoặc ký so với mức hiện hành.
Cụ thể, xăng nền để phối trộn xăng E5 tăng lên 640 đồng/lít, xăng A95 là 1.280 đồng/lít và dầu diesel là 730 đồng/lít. Dầu hỏa có mức tăng cao nhất lên 1.740 đồng/lít, dầu madut là 1.350 đồng/kg. Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu áp dụng cách tính mới từ kỳ công bố giá cơ sở xăng dầu ngày 11-11.
Đối với chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng, Bộ Tài chính xác định các khoản chi phí này “không phát sinh đột biến”. Mặt khác, các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về cảng mới được tăng từ ngày 7-10, vì vậy Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá theo định kỳ vào cuối năm 2022 và thông báo áp dụng vào… ngày 10-1-2023.
Các đơn vị kinh doanh xăng dầu vẫn còn gặp khó khăn. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Đối với chi phí kinh doanh định mức, Bộ Tài chính lý giải: Tính chất của khoản chi phí này phụ thuộc vào khâu tổ chức vận hành của cả hệ thống từ công ty mẹ đến các đơn vị trực thuộc và một số tác động từ chính sách lương, tiền thuê đất, tỉ giá... nên phải sau khi năm tài chính kết thúc mới phản ánh được đầy đủ và mới có đủ cơ sở để rà soát đánh giá diễn biến.
Vì vậy, thời gian tới sau khi nhận được báo cáo kiểm toán chuyên đề về chi phí kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp để theo dõi, nắm bắt cập nhật các số liệu, diễn biến để rà soát và công bố vào kỳ tiếp theo.
Bộ Tài chính tính chưa sát thực tế
Nhiều công ty đầu mối, phân phối và cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho biết họ đều kỳ vọng vào việc điều chỉnh các chi phí liên quan xăng dầu của Bộ Tài chính ở kỳ điều hành 11-11 theo hướng hợp lý, tính đúng, tính đủ. Qua đó giúp các đơn vị kinh doanh xăng dầu thoát khỏi tình trạng khó khăn, cắt lỗ và có thể tiếp tục nhập khẩu xăng dầu. Thế nhưng phương án mà Bộ Tài chính đưa ra vẫn không bám sát thực tế, không tính đúng, tính đủ các loại chi phí liên quan xăng dầu.
Đại diện một công ty đầu mối xăng dầu tại TP.HCM tính toán mức phí nhập khẩu dự kiến tăng 660 đồng/lít từ ngày 11-11 như công bố của Bộ Tài chính là chưa phù hợp, vì vậy những khó khăn của các công ty đầu mối trong nhập khẩu xăng dầu vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Vị này dẫn chứng thời điểm tháng 10 vừa qua, phía đối tác chào thầu giao hàng vào đầu tháng 11 với phụ phí mặt hàng xăng là 12 USD/tấn. Nếu trong giá cơ sở hiện tại (gồm mức phụ phí nhập khẩu được tăng) thì vẫn còn chênh lệch 4 USD/tấn, chưa kể tỉ giá biến động mạnh... Do đó, công ty nhập về sẽ tiếp tục lỗ.
Nhiều chi phí phát sinh chưa được cập nhật
Nhiều chi phí phát sinh, nhiều định mức lỗi thời nhưng chưa được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chưa được phản ánh trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu. Điều này khiến DN càng làm càng lỗ.
Trong cơ chế thị trường thì không ai ngoài quy luật cung cầu, quy luật giá trị và mục tiêu lợi nhuận, quyết định được hành động của DN . DN đầu mối hay thương nhân phân phối đã không làm ăn có lãi thì cũng không thể có chiết khấu cho đại lý, cửa hàng bán lẻ nên đã tạo ra sự đứt gãy nhất thời, cục bộ ở khâu bán lẻ một số nơi.
Bộ trưởng Bộ Công Thương NGUYỄN HỒNG DIÊN
Tương tự, đại diện một công ty xăng dầu khác ở phía Nam chia sẻ công ty lỗ nặng từ đầu năm đến nay do chi phí kinh doanh xăng dầu không được cơ quan chức năng cập nhật tính đúng, tính đủ. Nay Bộ Tài chính công bố điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu lại quá thấp, chỉ tăng 5%-83%. Trong khi đó trên thực tế, có công ty thống kê chi phí tăng tới 67% đến hơn 460%/lít, tức là gấp nhiều lần so với mức Bộ Tài chính đưa ra.
Báo cáo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) gửi Bộ Tài chính cũng nêu rõ, đối với chi phí premium nhập khẩu (yếu tố điều chỉnh giá trong hợp đồng nhập khẩu xăng dầu) đang có chênh lệch lớn giữa định mức được điều chỉnh ngày 11-7 so với thực tế. Đơn cử với các mặt hàng dầu chênh lệch gần 300-680 đồng/lít, cao hơn khá nhiều so với con số Bộ Tài chính đưa ra.
Bên cạnh đó, các chi phí trong kinh doanh xăng dầu, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng từ đầu năm đến nay đều tăng cao nhưng Bộ Tài chính cho rằng “không phát sinh đột biến” là không đúng so với thực tế. Không chỉ vậy, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục đánh giá, điều chỉnh theo định kỳ vào cuối năm 2022, áp dụng từ ngày 10-1-2023 là quá chậm trễ so với diễn biến thực tế, không giải quyết được khó khăn của các đơn vị kinh doanh xăng dầu hiện nay.
Nguồn cung vẫn khó khăn
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Chủ tịch Chi hội Xăng dầu thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ Việt Nam, đồng thời là giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ và xây lắp dầu khí, cho hay hiện tại mức chiết khấu của nhà bán lẻ xăng dầu vẫn rất thấp, chỉ vài chục đồng mỗi lít. Vì vậy, các DN gần như lỗ tuyệt đối với mỗi lít xăng dầu bán ra.
Không chỉ vậy, việc nhập hàng cũng khó khăn. “Nguồn hàng rất khó khăn. Có khi chúng tôi phải đi cả ngày mới lấy được một xe hàng” - bà Hường nói.
Một số công ty phân phối và bán lẻ xăng dầu cũng phản ánh tình hình nguồn cung vẫn rất khó khăn. “Hiện tình trạng cây xăng treo cò vẫn rất nhiều. Mức điều chỉnh chi phí mà Bộ Tài chính vừa đưa ra vẫn chưa thỏa đáng với chi phí thực tế. Cơ chế chính sách phải phù hợp với thực tiễn, nếu không những khó khăn của DN xăng dầu, thị trường xăng dầu sẽ vẫn không giải quyết được” - lãnh đạo một DN xăng dầu chia sẻ.
TS Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, khi trao đổi với báo chí cũng cho biết ông đã nhận được phản ánh của DN về việc Bộ Tài chính chưa tính đúng, tính đủ chi phí thực tế. “Đây là vấn đề cần sớm được cơ quan quản lý nhìn nhận, bổ sung. Nếu không làm ngay sẽ không tháo gỡ được khó khăn, không ổn định được thị trường khi mà nhà kinh doanh xăng dầu tiếp tục lỗ chồng lỗ” - ông Thỏa nói.
Tình hình xăng dầu tại TP.HCM vẫn khó khăn
Chiều 10-11, UBND TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Tại đây, ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Thương mại Sở Công Thương TP.HCM (ảnh), cho biết tình hình xăng dầu tại địa phương đến hiện tại vẫn khó khăn. Cụ thể, đến 15 giờ chiều 10-11, ngoài ba cửa hàng xăng dầu xin ngừng để sửa chữa, có khoảng 10% số cửa hàng xăng dầu ngưng kinh doanh, đang thiếu cục bộ nguồn xăng, chỉ còn dầu; 90% các cửa hàng xăng dầu tại TP hiện vẫn phục vụ nhu cầu của người dân.
Ông Ngô Hồng Y |
Ông Hồng Y thông tin thêm Sở Công Thương cùng các sở, ngành liên quan theo dõi sát tình hình xăng dầu tại địa bàn, tổ chức các cuộc họp với các thương nhân, đầu mối, nắm bắt kịp thời các khó khăn để tháo gỡ.
Sở cũng vận động các thương nhân, đầu mối có nguồn cung, có nguồn dự trữ lớn chia sẻ nguồn cung với các DN đang thiếu nguồn cung hiện tại; vận động các cửa hàng, chuỗi cửa hàng gia tăng thời gian hoạt động. Đối với các cửa hàng Petrolimex, Sở Công Thương vận động mở cửa 24/24 giờ để phục vụ nhu cầu của người dân.
Song song đó, sở đã tổng hợp ý kiến các thương nhân phân phối về đề xuất cho các phương tiện vận chuyển xăng dầu được phép lưu thông vào những khung giờ hạn chế. “Hiện nay, chúng tôi đã đề xuất Sở GTVT gia hạn đến ngày 15-1-2023 để đảm bảo lượng hàng cung ứng cho thị trường” - ông cho hay.
THANH TUYỀN