Sau tết: TP.HCM cảnh báo về các quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe

(PLO)- Một số trang mạng xã hội đã mạo danh bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, cơ quan y tế để quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở an toàn thực phẩm TP.HCM vừa đăng thông tin cảnh báo về việc, một số trang mạng xã hội đang mạo danh sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Điều này gây hiểu lầm cho người sử dụng.

Đặc biệt còn có tình trạng lạm dụng hình ảnh các bác sĩ, dược sĩ có uy tín đã nghỉ hưu để tăng thêm niềm tin cho người dùng.

Screen Shot 2024-02-23 at 12.01.38.png
thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1) từng lên tiếng nhiều lần về việc bị các đối tượng mạo danh hình ảnh quảng cáo sai sự thật. Ảnh chụp màn hình

Trước tình trạng trên, Sở An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với các hành vi sau:

Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế.

Gọi điện thoại tự xưng là bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tư vấn, “bắt bệnh” và giới thiệu để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe;

Gọi điện thoại tự xưng là bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi sử dụng sản phẩm để giới thiệu và bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Cũng theo Sở An toàn thực phẩm, khi sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe người dân cần lưu ý: Đây không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không có bất kì thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào được phép ghi công dụng “điều trị bệnh”.

Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

Người dân cũng nên đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Đồng thời, chúng ta nên xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe.

Chỉ chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng. Khi mua, nhận sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên.

Lựa chọn và mua sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được cơ quan quản lý xác nhận sản phẩm được lưu hành hoặc có thể tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.

Trong thời gian tới, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm trong việc quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh đó, sẽ kiên quyết xử lý nghiêm và công khai các cá nhân, tổ chức vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm