"Say"... ngôn ngữ ký hiệu

Ngôn ngữ ký hiệu

1.jpg

 Một buổi học của lớp ngôn ngữ ký hiệu.

4 giờ chiều chủ nhật hàng tuần, trong căn phòng tầng 2 rộng chừng 20m2 của một căn nhà trên đường Giải Phóng, người ta thấy một lớp học rất… đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, người trong lớp nói chuyện, giao tiếp và học đều thông qua những động tác tay chân, cử chỉ nét mặt. Không tiếng giảng bài, không âm thanh tiếng nói được phát ra, đôi lúc những tràng cười ngạc nhiên thú vị xuất hiện, nhưng 15 bạn trẻ vẫn rất tập trung thu nhận sự truyền tải từ thầy giáo giáo trẻ. Đó là lớp dậy ngôn ngữ ký hiệu thuộc câu lạc bộ (CLB) ngôn ngữ ký hiệu do chi hội người Điếc Hà Nội thành lập.

Được biết, CLB ngôn ngữ ký được thành lập từ tháng 10/2006, cùng thời gian đó lớp học đầu tiên về ngôn ngữ ký hiệu ra đời. Mục đích của lớp học thuộc CLB là phổ cập ngôn ngữ kí hiệu để người bình thường có thể giao tiếp với người khiếm thính.

Một buổi học của lớp ngôn ngữ ký hiệu bắt đầu bằng việc ôn lại bài cũ. Thầy giáo ghi những từ vựng đã học của buổi trước trên bảng. Thầy giáo gọi từng học viên đứng dậy, chỉ vào từ nào, học viên đó phải diễn giải đúng từ ấy bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Cứ như vậy, hết một lượt nếu ai quên sẽ được nhắc lại động tác, kết thúc ôn lại bài cũ cũng là lúc thầy giáo chuyển sang dậy bài mới. Mỗi của buổi học của lớp ngôn ngữ ký hiệu kéo dài khoảng 1h30 phút và có một chủ đề riêng. Những chủ đề được học dậy sâu nhất thường tập trung vào chủ đề về gia đình, chủ đề về đồ vật hay chủ đề về nghề nghiệp… Thầy giáo ghi từ, và biểu hiện từ đó bằng ký hiệu, học viên ghi nhớ bằng cách ghi lại trong vở.

“Ngôn ngữ ký hiệu cũng có bảng chữ cái với 26 ký hiệu tay tương ứng. Muốn thành thục và thuộc ký hiệu, người học chỉ còn cách chăm chỉ, tập trung ngay trên lớp và được giao tiếp nhiều với người khiếm thính”, tâm sự của Hải Hà (ĐH Ngoại Thương), thành viên lớp học.

Mới nhìn qua, nhiều người dễ lầm tưởng ngôn ngữ ký hiệu là thứ ngôn ngữ “khua khoắng”. “Ngôn ngữ ký hiệu, còn gọi là thủ ngữ, là ngôn ngữ dành cho người khiếm thính sử dụng trong giao tiếp. Đây là ngôn ngữ nhờ cử chỉ, hành động tay, chân cũng như biểu hiện của nét mặt để người nói biểu đạt chính xác những từ, số, câu nói… khi muốn thông tin tới người khác. Vì thế, nhiều khi, diễn giải thông tin chỉ qua nét mặt cũng hiểu”, Huy Dũng thành viên có 1 năm rưỡi kinh nghiệm học ngôn ngữ ký hiệu của CLB tâm sự. Thêm nữa, sự khó khăn cũng do một từ có nhiều ký hiệu và rất nhiều ký hiệu lại hao hao giống nhau.

2.jpg
Ngôn ngữ ký hiệu dù khó nhưng với những bạn trẻ, đã đam mê thì không có gì là... khó.

Đa phần người tham gia lớp học là những bạn trẻ. Họ chủ yếu là sinh viên tại các trường ĐH và hoàn toàn không bị khiếm thính. Với họ ngôn ngữ ký hiệu khó nhưng đã đam mê thì khó sẽ hoá thành… dễ.

Hầu hết học viên thời gian đầu đến với ngôn ngữ “lạ” này do họ tò mò, muốn thử xem ngôn ngữ ký hiệu “lạ” như thế nào. Nhưng khi học về lâu, người học càng đam mê. Họ quan niệm đây như một ngoại ngữ thú vị không kém tiếng Anh hay một ngoại ngữ nào khác. Tuy nhiên, khi “bập” vào ngôn ngữ ký hiệu tất cả người học đều chung cảm nhận rằng mình muốn sâu hơn để có thể giao tiếp và làm điều gì đó giúp đỡ người khiếm thính.

“Mình là sinh viên tình nguyện. Mình học ngôn ngữ kí hiệu do có nhiều cơ hội tới các câu lạc bộ câm điếc của người khuyết tật, nên rất muốn tiếp xúc để hiểu hơn về người khiếm thính”, Minh Hằng (ĐH KTQD) cho biết. Trong khi đó, Huy Dũng mê ngôn ngữ kí hiệu do “Có lần tôi tình cờ gặp một chị bị khiếm thính hỏi đường. Khi đó tôi chỉ biết ú ớ và trả lời bằng một cái… lắc đầu. Tôi học ngôn ngữ “lạ” này vì thấy nó giúp mình tăng khả năng diễn đạt, tự tin hơn trong giao tiếp rõ rệt. Bạn biết đấy, 70% ngôn ngữ này là cử chỉ động tác. Và mình có thể giao tiếp với người khiếm thính”.

Còn với Trần Thanh Hương, thành viên liên lạc của lớp ngôn ngữ ký hiệu, người đã có khả năng dậy ngôn ngữ kí hiệu cho các bạn khác thì “Trước khi học, mình không mường tượng một chút nào về loại ngôn ngữ này. Chỉ biết qua tivi. Học rồi, mình thấy nó giúp người khiếm thính và cả người bình thường một sự tự tin trong giao tiếp. Tư duy ngôn ngữ được nâng cao. Ngoài ra, mình học vì rất muốn làm một phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu cho người khiếm thính…”.

Cùng lớp cơ bản, hiện 3 lớp chuyên sâu về ngôn ngữ ký hiệu, với khoảng 60 bạn trẻ theo học, vẫn tiến hành đều đặn (một tuần 3 buổi) trên đường Nguyễn An Ninh. Ngoài ra, CLB ngôn ngữ ký hiệu cũng tổ chức một lớp dậy dành cho những bạn tình nguyện thuộc Nhóm cộng đồng tình nguyện vì trẻ em HTU ngay trên đường Trấn Vũ.

Người khiếm thính dậy người bình thường!

3.jpg

Thầy giáo Thái Anh đang kiểm tra bài cũ...

Người đứng lớp giảng dạy, chỉ bảo tỉ mẩn từng ký hiệu là một chàng trai còn khá trẻ về tuổi đời. Người thầy giáo đó là Thái Anh, năm nay 23 tuổi.

Qua những đoạn giao tiếp, nhờ ghi giấy, ông thầy trẻ chứng tỏ mình rất nhiệt huyết trong việc dậy học “Tôi bị khiếm thính bẩm sinh, nhưng không vì thế mặc cảm. Bị khiếm thính, tôi lại càng khát khao muốn nhiều người hiểu mình nói gì. Tôi dậy ngôn ngữ ký hiệu để: giúp thật nhiều người biết nó. Nếu bạn biết ngôn ngữ ký hiệu, bạn sẽ có thể giao tiếp được với người khiếm thính xung quanh”, Thái Anh tâm sự.

"vốn" mới chỉ hơn 1 năm kinh nghiệm dậy học nhưng thầy giáo Thái Anh vẫn đủ chia sẻ, muốn “giao tiếp” được, người học tự bản thân phải biết cách xây dựng tư duy. Việc ghi nhớ các câu được cho là khó nhất. Trong thủ ngữ, mỗi chữ cái có biểu hiện ký hiệu riêng, nên người học phải tư duy ghép chữ cái thành từ trước rồi qua từ vựng mới ghép nên câu.

Ngoài ra, để “nói” được một câu hoàn chỉnh, những người biết ngôn ngữ ký hiệu phải tưởng tượng hình ảnh cùng từ ngữ trước rồi sau đó hoạt động tay chân sẽ dẫn giải từng động tác có thứ tự rằng vì sao câu định “nói” là như vậy.

Đội ngũ tham gia giảng dậy ngôn ngữ ký hiệu cho các bạn trẻ khá đông đảo. Ngoài Thái Anh còn có thầy Sơn , thầy Hưng (cùng có 6 năm dậy học) và thầy Tuấn… những người giảng dậy chuyên sâu hơn về ngôn ngữ ký hiệu tại các lớp phiên dịch.

Dậy ngôn ngữ ký hiệu với hầu hết các thầy giáo chỉ là việc “tay trái” của mình (Thái Anh và thầy Sơn cùng đang là nhân viên của một công ty thương mại. Thầy Hưng đang làm vận chuyển tại một công ty phụ tùng ô tô). Họ chủ yếu kiếm sống bằng những công việc riêng. Tuy vậy, khi là thầy, họ rất tâm huyết.

4.jpg

...và một ngôn ngữ ký hiệu được Thái Anh diễn tả.

Theo Thái Anh, dậy ngôn ngữ ký hiệu, đặc biệt khi dậy cho người bình thường lại khó hơn. Để có khả năng sư phạm truyền đạt được ngôn ngữ cho người học, những người khiếm thính trước đó phải đi học rất kỹ tại những lớp ngôn ngữ ký hiệu do chi hội người Điếc tổ chức. Sau đó, họ mới được đứng dậy. Với thầy Hưng, “Khi đã đứng dậy, chúng tôi mang mục đích duy nhất là truyền tải càng nhiều ký hiệu cho các bạn càng tốt”.

Trong kinh nghiệm nhiều lần dậy học những thầy giáo cho biết “Bạn trẻ thích nhất và muốn học nhất là câu “I Love U” (tạm dịch: Mình yêu bạn). Đưa ngón tay út chỉ vào mình, hai ngón tay lồng lên nhau, lòng bàn tay úp vào phía ngực nơi có trái tim. Đó là câu nói “I Love U” ”.

* Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo Nguyễn Đình(VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm