Trên thực tế có rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra mà nguyên nhân chính do tài xế sử dụng rượu bia không kiểm soát tay lái. Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, chỉ trong bốn ngày nghỉ lễ, cả nước đã xảy ra 111 vụ tai nạn giao thông, làm chết 80 người, bị thương 79 người. Trong đó, số ca cấp cứu tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia tăng báo động.
Luật còn nương tay
Luật Giao thông đường bộ cấm người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; cấm người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Theo Nghị định 46/2016 thì người đi xe mô tô có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép bị phạt cao nhất là từ 16 triệu đến 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4-6 tháng. Người đi xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép thì bị phạt cao nhất là 4 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng.
Nhiều bạn đọc cho rằng cần phải xem hành vi lái xe khi say xỉn là một hành vi giết người, bất kể hậu quả như thế nào.
Anh Trương Minh Luận, một tài xế xe tải đường dài, cho biết: “Khẩu hiệu “Đã uống rượu bia, đừng lái xe” là câu châm ngôn của cánh tài xế chạy xe đường dài. Nghề nào cũng có nguyên tắc riêng của nó và làm tài xế cũng vậy. Tài xế chỉ cần một sơ suất nhỏ là có thể trả giá bằng mạng sống của mình và của nhiều người khác nên phải loại trừ rượu bia khi làm việc.
Hiện nay, các doanh nghiệp vận tải đã thấy được mối nguy hiểm của việc sử dụng rượu bia nên khi ký hợp đồng với tài xế thì có phần chặt chẽ hơn trước đây. Cụ thể, ngoài hợp đồng quy định chung thì tài xế còn có thỏa thuận riêng là không được sử dụng rượu bia trong quá trình lái xe. Thậm chí có doanh nghiệp còn quy định khi tài xế uống rượu mà gây ra tai nạn thì phải tự chịu trách nhiệm và phải bồi thường cho công ty”.
CSGT kiểm tra nồng độ cồn của một tài xế. Ảnh: TUYẾN PHAN
Tội ác từ lái xe có rượu bia
Anh Lê Văn Cảnh (Long An) cho rằng cần phải tước bằng lái vĩnh viễn đối với tài xế có rượu bia vượt quá nồng độ cồn cho phép, vì có như thế họ mới trả giá tội ác của mình đã gây ra.
Anh Cảnh dẫn chứng bằng chính câu chuyện anh đã phải trải qua cách đây hơn năm năm mà cho đến tận hôm nay anh vẫn còn bị ám ảnh. Anh kể: “Hôm đó, nhà thằng bạn tôi đám giỗ mời toàn những đứa bạn thân đến ăn tiệc. Do vui quá nên tôi uống hơi quá chén. Dù đã say nhưng tính tôi không thích ngủ lại nhà người khác nên đã tự lái xe về nhà mặc cho nhiều người ngăn cản. Trên đường dù trong đầu tôi cứ nghĩ phải chạy chậm nhưng tay tôi cứ kéo hết ga và tôi không làm chủ được tốc độ nữa. Chạy đến ngã ba, tôi phi thẳng vào một người đang đi bộ trên đường. Kết quả người ấy đã bị chấn thương sọ não và đã mất sau thời gian dài điều trị. Đây là một nỗi ám ảnh kinh hoàng, nó theo tôi suốt từ đó đến tận hôm nay. Đã có hơi men vô là con người ta khó có thể kiểm soát được hành vi của mình. Tôi hôm nay dù có làm gì đi chăng nữa cũng không thể bù đắp được tội ác của mình đã gây ra. Thế nên tôi mong rằng đừng ai mắc phải sai lầm như tôi”.
Câu chuyện của chị Nguyễn Thu Sương ở Đức Hòa, Long An cũng đầy thương tâm bởi rượu bia mà ra. Theo chị Sương kể, cách đây mấy năm, chị cùng đứa em trai từ TP.HCM về quê chơi. Đến đoạn đường làng thì gặp một người đàn ông say rượu chạy xe với tốc độ rất cao lao thẳng vào xe của chị. Kết quả em chị chết tại chỗ, còn chị thì hôn mê hơn ba tháng.
“Những mất mát mà người đàn ông ấy gây ra cho gia đình tôi là quá lớn thế nhưng ông ấy chỉ bị xử tù vài năm. Khi những vết thương trên cơ thể của tôi chưa hết hẳn thì người này sẽ mãn hạn tù. Say mà chạy xe giống như người tỉnh mang dao đi giết người vậy. Thế nên mong pháp luật phải xử những người uống rượu say rồi mà còn leo lên xe lái như xử những kẻ giết người!” - chị Sương bức xúc.
Say rượu lái xe chưa gây hậu quả: Có thể xử hình sự “Uống rượu bia điều khiển phương tiện cơ giới nguy hiểm không khác gì đang cầm trong tay một khẩu súng. Uống rượu bia, một người tốt đã thành kẻ giết người…”. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nhấn mạnh nhiều lần như vậy khi nói về sự nguy hiểm của việc uống rượu bia lái xe, điển hình là vụ tai nạn khiến hai người phụ nữ tử vong sáng 1-5 ở Hà Nội, tại buổi tọa đàm về cách nào ngăn chặn tài xế uống rượu bia do báo Giao Thông tổ chức, diễn ra ngày 3-5. Điều 260 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định chỉ xử lý hình sự khi đã gây thiệt hại cho người khác hoặc có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nghiêm trọng (có khả năng làm chết từ ba người trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng…) nếu không được ngăn chặn kịp thời. Luật sư (LS) Đặng Văn Cường, Đoàn LS TP Hà Nội, cho rằng hiện nay Điều 260 của Bộ luật Hình sự đã quy định các hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng và chưa gây hậu quả. Như vậy, người điều khiển phương tiện say rượu lái xe dù chưa gây hậu quả cũng bị xử lý hình sự nhưng để rõ hơn, sắp tới cần có hướng dẫn cụ thể hơn. Đối với trường hợp gây tai nạn giao thông chết người, tùy từng trường hợp có thể xử lý tội giết người. “Tuy nhiên, tội giết người là phải cố ý, tức mong muốn hậu quả chết người xảy ra với người khác hoặc cố ý gián tiếp (bỏ mặc hậu quả giết người xảy ra). Còn đối với trường hợp gây tai nạn giao thông nhưng vô ý giết người thì không xử tội giết người được…” - LS Cường phân tích. Cùng quan điểm, ông Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cho rằng các quy định hiện hành đã cho phép xử lý hình sự đối với các tài xế say rượu nhưng chưa gây hậu quả. Tuy nhiên, việc tài xế say rượu lái xe có nên cho là tội giết người hay không phải xem xét vì phải chứng minh được tài xế cố ý hay vô ý, nếu không cố ý thì không thể xử tội giết người. VIẾT LONG Thế giới: Say xỉn lái xe có thể bị tù Nhật Bản: Nồng độ cồn cho phép là dưới 0,03%. Trên 0,03%-0,7999%, tài xế có thể bị phạt tối đa 4.000 USD (hơn 93 triệu đồng) và ba năm tù. Từ 0,08% trở lên, người vi phạm có thể bị phạt tối đa 8.800 USD (hơn 205 triệu đồng) và năm năm tù. Thậm chí hành khách ngồi trên phương tiện của tài xế bị say rượu cũng bị xử phạt tiền hoặc thậm chí ngồi tù. Tài xế say rượu gây tai nạn có thể bị kết án tối đa 20 năm trong trường hợp gây chết người hoặc 15 năm trong trường hợp không gây chết người. Singapore: Nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trên 0,35 mg, lái xe sẽ có thể bị phạt tiền lên đến 5.000 SGD (tương đương 85 triệu đồng), sáu tháng tù giam và lao động công ích. Nếu tái phạm, tài xế sẽ bị phạt tối đa 10.000 SGD (130 triệu đồng) cộng một năm tù giam, tạm đình chỉ giấy phép lái xe 12 tháng. Với các tình tiết tăng nặng, hình phạt tù tối đa có thể lên đến một năm. Hàn Quốc: Với nồng độ cồn trên 0,05 mg, tài xế có thể ngồi tù ba năm và bị phạt 10 triệu won (khoảng 206 triệu đồng), bằng lái sẽ bị đình chỉ hoặc thu hồi. Ngoài ra, lỗi chống lại yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn cũng bị coi là tội hình sự. Người lái xe không tuân thủ yêu cầu của cảnh sát sẽ bị bắt ngay lập tức hoặc bị truy nã nếu bỏ trốn. Trung Quốc: Pháp luật Trung Quốc quy định mức nồng độ cồn trong máu trên mức 0,08%, người vi phạm có thể bị phạt tù ba năm và bị cấm lái xe trong năm năm. Nếu tài xế gây thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong, giấy phép lái xe sẽ bị tước vĩnh viễn. Thái Lan: Từ tháng 4-2019, Thái Lan yêu cầu cảnh sát buộc tội giết người đối với các tài xế say rượu gây tai nạn chết người. Theo luật hình sự Thái Lan, tội giết người có thể đối mặt với án tử hình, chung thân hoặc 15-20 năm tù. KIM NGUYÊN |