Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa có chỉ thị về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến việc sử dụng rượu, bia khi làm nhiệm vụ, điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Theo đó, ông Nguyễn Văn Thể cho biết thời gian qua trên toàn quốc xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm thiệt hại lớn về người và tài sản, gây bức xúc trong xã hội. Nguyên nhân ban đầu của một số vụ tai nạn cho thấy có tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia dẫn đến trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.
Ngày 1-5, một tài xế say rượu gây tai nạn làm hai người phụ nữ chết tại hầm Kim Liên, Hà Nội. Ảnh: Internet
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị trực thuộc chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là không sử dụng rượu, bia, chất có cồn khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần xây dựng nội dung tuyên truyền với hình thức đa dạng, phong phú. Trong đó, cán bộ công nhân viên trong ngành giao thông vận tải phải tăng cường khai thác, sử dụng các trang mạng xã hội (như: facebook, zalo, viber...) với các logo (biểu trưng) sinh động để thực hiện tuyên truyền đến người thân, người dân về tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.
Bộ GTVT cũng giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Vụ An toàn giao thông và các đơn vị có liên quan sửa đổi Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Trong đó, nghiên cứu tăng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông, đặc biệt là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.
“Tổng cục Đường bộ cũng phải phối hợp với Sở GTVT các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng công chức thanh tra giao thông, thanh tra Sở GTVT tăng cường kiểm tra người điều khiển phương tiện trước khi xuất bến tại các bến xe, đầu nguồn hàng. Xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép khi điều khiển phương tiện”, Bộ GTV yêu cầu.
Liên quan đến vấn đề trên, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng sắp tới khi sửa Nghị định 46/2016 sẽ xem xét tăng mức xử phạt tiền, tước giấy phép lái xe và nhiều hình thức phạt bổ sung khác. “Nhưng mức phạt phải phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội…”, bà Hiền nói.