Sẽ có chính sách đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Sáng 6- 5, tại Đồng Nai, Chính phủ tổ chức Hội nghị “Phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Cùng dự hội nghị còn có ba Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Định Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Hội nghị được tổ chức nhằm tìm ra các giải pháp tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam có 8 tỉnh, thành gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang... được coi là đầu tàu trong phát triển kinh tế, xã hội của cả nước.

Vùng KTTĐ phía Nam cũng là nơi có công nghiệp, dịch vụ phát triển nhất cả nước. Trong quý I-2019, vùng tiếp tục là nơi có mức tăng trưởng khá, thu hút đầu tư FDI nhiều so với các vùng khác.

Quang cảnh Hội nghiệp phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: VH.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá vùng KTTĐ phía Nam là đầu tàu kinh tế của cả nước nên phải được ưu tiên cho những dự án hạ tầng giao thông để tạo đột phá trong phát triển kinh tế. Đầu tàu có mạnh thì mới kéo theo các vùng khác cùng phát triển.

"Tuy nhiên, hiện nay trong vùng vẫn còn tồn tại một số khó khăn, tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại, công nghiệp chưa có những sản phẩm mới có hàm lượng chất xám, kỹ thuật cao. Doanh nghiệp thành lập mới nhiều, nhưng quy mô vốn đăng ký thấp, cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu của phát triển...", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói thêm.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đánh giá Vùng KTTĐ phía Nam đóng góp nhiều cho sự phát triển chung của cả nước, nhưng vì thực hiện liên kết vùng còn yếu, nên các địa phương chưa phát huy hết tiềm năng của vùng. Vì thế, trong thời gian tới, Chính phủ cần có những chính sách khơi thông làm động lực cho tăng trưởng kinh tế vùng. 

Còn Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, muốn Vùng KTTĐ phía Nam phát triển mạnh thì phải có thể chế, cơ chế đặc thù trong liên kết vùng. Có như vậy mới tạo sức mạnh chung để phát huy được tiềm năng của vùng. Tuy nhiên, trong phát triển kinh tế cần chú trọng đến môi trường, an sinh xã hội

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái cho hay, để tạo động lực cho phát triển kinh tế vùng, cũng như riêng Đồng Nai, tỉnh kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, triển khai nhanh các dự án giao thông trọng điểm như: cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường vành đai 3,4; tuyến đường sắt đô thị, hệ thống cảng biển....

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đóng góp của vùng cho GDP cả nước khoảng 45%, nhưng phân bổ ngân sách để tái đầu tư chỉ được khoảng 15%. Điều này chưa hợp lý, dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại. Trung ương cần tăng phân bổ ngân sách cho vùng lên gấp 2 lần so với hiện nay mới đáp ứng được nhu cầu và đảm bảo bước đột phá, tăng trưởng trong phát triển kinh tế. Trong đó, ưu tiên vốn làm hạ tầng giao thông đường bộ, hàng không, đường thủy, đường sắt.

Đại diện các tỉnh khác trong Vùng KTTĐ phía Nam cũng kiến nghị nhiều vấn đề có liên quan đến hạ tầng giao thông, chính sách để kết nối vùng...

Phát biểu kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Vùng KTTĐ phía Nam đóng vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế của cả nước. Vì vậy trong thời gian tới Trung ương sẽ có những chính sách đặc thù cho vùng. Trong đó, sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc đang kìm hãm sự phát triển của vùng, tạo thông thoáng để phát huy liên kết vùng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới