Sẽ có hướng dẫn riêng về tách thửa đất nông nghiệp

Ngày 1-12, Sở TN&MT tổ chức hội nghị góp ý về dự thảo thay thế Quyết định (QĐ) 60/2017 về tách thửa đất trên địa bàn TP. Nhiều vướng mắc cả trong quyết định tách thửa hiện hành và cả trong văn bản dự thảo của Sở TN&MT đã được 24 quận/huyện và các sở/ngành có liên quan nêu ý kiến. Đặc biệt là những vướng mắc liên quan đến việc giải quyết tách thửa đất nông nghiệp khi dự thảo mới không còn quy định về nội dung này.
Cấm tách thửa đất nông nghiệp: Hạn chế quyền của dân
Việc Sở TN&MT đưa nội dung tách thửa đất nông nghiệp ra khỏi dự thảo khiến các quận/huyện rất băn khoăn. Các địa phương đều cho rằng hiện nay QĐ 60 chỉ cho tách thửa đất nông nghiệp đối với trường hợp quy hoạch sản xuất nông nghiệp cũng còn bất cập nhưng dù sao vẫn còn giải quyết được nhu cầu của người dân. Nếu bỏ hẳn quy định này trong khi nhu cầu của người dân là rất lớn chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người dân.
Ông Dương Văn Phúc, Trưởng phòng TN&MT huyện Hóc Môn, cho biết theo quy hoạch sử dụng đất của huyện Hóc Môn, đến năm 2020 không còn đất lúa nữa. “Thực tế, người dân có đất dù hiện trạng là đất nông nghiệp nhưng quy hoạch cũng không còn là đất nông nghiệp nữa. Trong khi nhu cầu tách thửa là rất lớn, nếu không giải quyết cũng rất khó cho dân” - ông Phúc nói.
Ông Phúc cũng nêu một thực tế tại huyện Hóc Môn, chủ yếu là người dân bản địa sinh sống từ nhiều đời. Mỗi gia đình thường có rất đông người sinh sống trên những mảnh đất lớn với diện tích 5.000-10.000 m2 là rất phổ biến. Khi cha mẹ mất đi, gia đình có nhu cầu phân chia thừa kế nhưng do khu đất không nằm trong quy hoạch sản xuất nông nghiệp nên không thể tách thửa. Ông Phúc cho rằng thời gian qua, người dân rất bức xúc, đã phản ánh rất nhiều trong các buổi tiếp xúc cử tri. “Huyện không thể giải quyết cho dân và đã trả lời văn bản rất nhiều lần nhưng người dân vẫn không hết bức xúc” - ông Phúc nói.
Trưởng Phòng TN&MT huyện Hóc Môn cho rằng dự thảo mới vẫn cần phải quy định về việc tách thửa đất nông nghiệp. Đồng thời đề xuất nếu người dân có đất phù hợp với quy hoạch 1/2000 hoặc quy hoạch điểm dân cư nông thôn thì vẫn nên giải quyết tách thửa cho dân chứ không chỉ quy định phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp mới cho tách như tại QĐ 60.
Tương tự, huyện Bình Chánh cũng đề xuất nên cho tách thửa đất nông nghiệp và quy định cụ thể về diện tích tối thiểu được tách thửa.
Họ đã nói
Theo tôi cần sửa QĐ 60 theo hướng phân quyền cho quận/huyện tự làm, tự chịu trách nhiệm dựa trên thực tế của địa phương và trên nền các quy định pháp luật có liên quan để giải quyết. TP chỉ nên quy định cái khung chung và phù hợp với quy hoạch được duyệt. 
Ông ĐỖ ANH KHANG, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp
Huyện Củ Chi cũng cho rằng huyện này hiện nay chủ yếu là đất nông nghiệp, nếu không có quy định tách thửa đất nông nghiệp thì sẽ rất khó cho dân. Đây cũng chính là đề xuất của các quận/huyện, đặc biệt là các quận/huyện ngoại thành như Nhà Bè, Cần Giờ, quận 12… đối với việc tách thửa đất nông nghiệp.
Sẽ có hướng dẫn riêng
Theo Sở QH-KT, nhu cầu tách thửa đất nông nghiệp trên địa bàn TP là rất lớn, cũng là nhu cầu chính đáng của người dân. Vì vậy, sở này đề xuất Sở TN&MT cần nghiên cứu đưa vào dự thảo để TP xem xét.
Ông Dư Huy Quang, Trưởng phòng Quản lý đất, Sở TN&MT, cho biết thời gian qua trên toàn TP, số lượng hồ sơ tách thửa đất nông nghiệp là không nhiều. Cụ thể, từ năm 2017 đến cuối năm 2019, toàn TP chỉ có 59 hồ sơ tách thửa đất nông nghiệp, chiếm hơn 1% tổng số hồ sơ tách thửa được giải quyết. Những trường hợp này tập trung tại các quận 2, 9 và huyện Nhà Bè.
Lý giải về con số ít ỏi nêu trên, ông Quang cho rằng hiện nay người dân có đất nông nghiệp rất nhiều nhưng quy hoạch không còn là đất nông nghiệp và thực tế cũng không thể sản xuất nông nghiệp nữa. Trong khi đó, QĐ 60 quy định phải nằm trong quy hoạch sản suất nông nghiệp thì mới được tách thửa. Vì vậy, dù người dân có nhu cầu tách thửa đất nông nghiệp rất lớn nhưng không phù hợp quy hoạch nên không thể giải quyết.

Không quy định tách thửa đất nông nghiệp dễ dẫn đến tình trạng phân lô đất nông nghiệp trái phép như đang diễn ra tại một số huyện ngoại thành.
Ảnh: VIỆT HOA

Ông Quang cũng nêu lý do Sở TN&MT không đưa nội dung tách thửa đối với đất nông nghiệp và các loại đất khác vào dự thảo mới là vì hiện nay Luật Đất đai quy định các tỉnh, thành chỉ được quy định diện tích tối thiểu đối với đất ở đô thị và đất ở nông thôn. “Sở dĩ trong QĐ 60 hiện hành có quy định tách thửa với đất nông nghiệp và các loại đất khác là do Nghị định 01/2017 có giao quyền này cho các tỉnh, thành nên TP mới đưa nội dung này vào QĐ 60. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có gặp vướng mắc như đã nêu trên nên số lượng hồ sơ giải quyết không nhiều” - ông Quang nói.
Cũng liên quan đến việc bỏ quy định tách thửa đất nông nghiệp, ông Quang cho biết hiện nay chưa có cơ sở để xác định diện tích tối thiểu như thế nào là phù hợp. “Trong khi đó, quy định về giao đất, cho thuê đất đối với loại đất này là phải thẩm định nhu cầu sử dụng đất của từng trường hợp cụ thể. Do vậy, về nguyên tắc, khi tách thửa cũng phải trên cơ sở thẩm định nhu cầu chứ không phải theo diện tích” - ông Quang cho biết.
Trước nhu cầu bức bách của người dân và đề xuất của các địa phương, ông Quang cho hay Sở TN&MT không quy định trong quyết định về tách thửa mà sẽ có hướng dẫn riêng về việc tách thửa đất nông nghiệp trong thời gian tới. Hướng giải quyết sẽ căn cứ trên cơ sở thẩm định nhu cầu của người dân chứ không theo diện tích tối thiểu nhằm đảm bảo không trái luật. Ông Quang cũng đề nghị các quận/huyện, với thực tiễn quản lý địa phương, cần có những đề xuất hướng giải quyết cụ thể để Sở TN&MT xem xét và có cơ sở đề xuất giải pháp thực hiện.•
 Ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người dân
Trao đổi riêng với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết huyện Bình Chánh có hơn 25.000 ha đất tự nhiên. Trong đó, đất nông nghiệp còn gần 15.000 ha. Phần đất hiện trạng là nông nghiệp nhưng đã được quy hoạch là đất phi nông nghiệp còn hơn 9.000 ha.
Cũng như ở Hóc Môn, ông Tài cho rằng người dân địa phương có đất nông nghiệp với diện tích lớn thường mong muốn tách ra cho con hoặc phân chia thừa kế. Tuy nhiên, do không nằm trong khu vực quy hoạch sản xuất nông nghiệp nên huyện không thể giải quyết. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người dân. 
“Trong trường hợp chính quyền không giải quyết mà người dân kiện nhau ra tòa, tòa phân xử bằng bản án được chia tách thì lúc đó chính quyền có giải quyết hay không? Điều này cần phải được làm rõ trong quy định mới để địa phương có cơ sở thực hiện” - ông Tài đề xuất. 
Phó Chủ tịch huyện Bình Chánh cũng kiến nghị đối với đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch đất hỗn hợp, đất dân cư xây dựng mới mà chưa có quyết định thu hồi đất, chưa kêu gọi được chủ đầu tư dự án thì cũng cần giải quyết cho người dân được tách thửa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm