Vậy khi đó độc giả sẽ có cảm giác là đọc các bản tin nào cũng giống nhau? Đó là dự đoán đáng lo ngại của một nhà khoa học người Mỹ, giáo sư Kristian Hammond, người đã đề xuất một chương trình máy tính được gọi “khoa học tường thuật” (narrative science) có tên Quakebot. Ngay từ bây giờ, tờ The Los Angeles Times của Mỹ đã sử dụng chương trình này để lên khuôn những bài viết về thể thao, động đất và trấn áp tội phạm.
Đầu tháng 3, tòa soạn The Los Angeles Times đã mất không quá ba phút để cho ra một bản tin nhanh, hoàn chỉnh về vụ động đất vừa mới làm rung chuyển thành phố. Thời gian nhanh không ngờ đó có được là bởi bản tin trên là do một robot viết 6 giờ 25 phút, phóng viên phụ trách thông tin Ken Schwencke giật mình vì những cơn chấn động mạnh. Anh vội lao tới máy tính, rồi nhanh chóng hài lòng khi lướt mắt nhanh qua một văn bản đã được định dạng từ Quakebot. Việc còn lại chỉ là ấn nút “GỬI” là xong. Bản tin- robot này cũng đầy đủ chi tiết không kém gì những bản tin thời sự thông thường khác do… người viết.
Phóng viên Ken Schwencke rất tự hào về bài viết của mình. Anh nói: “Trong một vài chủ đề và thể loại, chương trình này giúp tiết kiệm thời gian để đưa được thông tin nhanh hơn, nhưng chất lượng nội dung vẫn hoàn chỉnh như bài viết của bất cứ phóng viên nào”. Cùng với giáo sư Hammond, phóng viên Ken Schwencke là đồng sáng lập viên công ty Narrative Science, nơi thai nghén ra hệ thống robot báo chí theo kiểu Mỹ, tức bài viết tiết kiệm từ và đưa vào nhiều con số.
Phóng viên Kristian Hammond dự đoán rằng thế hệ phóng viên- robot này sẽ có nhiều triển vọng khi thuật toán được nghiên cứu để có thể viết được ở mọi thể loại, chủ đề thời sự trong báo chí. Chuyên gia Hammond quả quyết: “Có thể đến năm 2017, một chiếc máy vi tính cũng sẽ có thể tạo ra một sản phẩm báo chí xứng đáng được nhận giải Pulitzer”.
(Xin độc giả chú ý: bài viết trên đây đã được viết ra từ một phóng viên là con người)
TƯỜNG NGUYỄN (Theo “Le Point”)