Ngày 6-9, Bộ Tài chính cho biết đơn vị này đang hoàn thiện hồ sơ xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 64/2008 (về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo).
Theo tiến độ này, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành theo hướng bổ sung đối tượng áp dụng là các tổ chức có tư cách pháp nhân (doanh nghiệp, hợp tác xã, hội,...) tham gia vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện.
Dự thảo nghị định mới sẽ quy định rõ ràng, cụ thể các nội dung như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, cơ quan kêu gọi vận động, thời gian vận động, tiếp nhận. Đồng thời, quy định các nội dung chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương và người dân, tránh chồng chéo trong việc triển khai thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn lực này.
Dự thảo nghị định cũng sẽ quy định để thực hiện công khai, minh bạch, sử dụng hiệu quả nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân.
Theo tờ trình của Bộ Tài chính, sau hơn 10 năm thực hiện, Nghị định 64 đã góp phần giảm bớt khó khăn cho ngân sách nhà nước; Đồng thời đã huy động nguồn vốn xã hội giúp nhân dân khắc phục khẩn cấp hậu quả của thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận cao của nhân dân.
Tuy nhiên đến nay, qua thực hiện cho thấy còn một số hạn chế từ việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện, do đó việc sửa đổi nghị định là cần thiết.
Trước đó, ngày 26-5-2021, Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 64/2008. Sau đó, ngày 10-8-2021, Bộ Tài chính có văn bản giải trình về đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị định theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ngày 14-6-2021.
Ngày 23-8-2021 Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Nghị định theo hướng khuyến khích tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện; cần có quy định cụ thể để triển khai thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả, đáp ứng mục đích, ý nghĩa và yêu cầu quản lý nhà nước.