“Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương đang phối hợp với Bộ GTVT và Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ đề nghị để dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy” - ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng quỹ, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 15-7.
Ông Minh cho biết tại cuộc họp tổng kết hoạt động Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng bày tỏ băn khoăn về việc thu phí đường bộ đối với xe máy. “Bộ trưởng Thăng nói việc thu gặp nhiều khó khăn, bất cập nên Bộ GTVT và Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ đề nghị cho sửa đổi quy định và dừng thu phí đối với xe máy. Tuy vậy, việc thu phí sử dụng đường bộ đối với ô tô vẫn cần được thực hiện tốt hơn” - ông Minh nói.
Vật vã vì phí
“Tổ tôi có 82 hộ với khoảng 160 xe máy. Năm 2013 chỉ thu được khoảng 4,2 triệu đồng, đạt 30% kế hoạch. Năm 2014 thu giảm còn 2,5 triệu đồng, đạt 17% kế hoạch. Năm 2015 chưa có kế hoạch thu nhưng nếu vẫn thu sẽ giảm hơn nữa” - ông Triệu Văn Sơn, tổ trưởng tổ 5, phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nói về kết quả thu phí xe máy tại khu dân cư của mình trong thời gian qua.
Theo ông Sơn, năm đầu tiên thu phí có nhiều hộ nộp nhưng qua thời gian, số lượng người dân nộp giảm dần. Người không nộp chẳng ai bị phạt, chạy xe ngoài đường cũng chả ai kiểm tra… “Chúng tôi vã mồ hôi mới thu được vài đồng phí. Có hộ tôi phải đến 4-5 lần vận động, giải thích rát miệng họ mới chịu nộp” - ông Sơn nói và cho biết năm 2014, ông phải mất ba tuần mới thu được 2,5 triệu đồng tiền phí của cả tổ, công bồi dưỡng ông được nhận là 175.000 đồng.
Những bất cập của việc thu phí xe máy ngày càng lộ rõ khiến nhiều nơi muốn ngưng. Ảnh: MP
Theo ông Lê Quang Vân - Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Tân, phường có trên 4.400 hộ nhưng họ chỉ kê khai nộp phí cho 1.560 xe. Năm 2013, phường thu được hơn 200 triệu đồng, năm 2014 được 186 triệu đồng nhưng phải huy động đến 121 người gồm 11 nhân viên của phường và tổ trưởng, tổ phó của 55 tổ dân phố trên địa bàn.
Thực tế này đang diễn ra phổ biến ở Hà Nội. TP này có khoảng 4,5 triệu xe máy đăng ký nhưng năm 2013 chỉ thu được 55/378 tỉ đồng, đạt 14%. Năm 2014 còn thấp hơn khi chỉ được 36 tỉ đồng, đạt hơn 13% kế hoạch. Đặc biệt, sáu tháng đầu năm 2015, Hà Nội chỉ thu được gần… 3 tỉ đồng. Vậy nhưng Hà Nội phải huy động một đội ngũ khổng lồ phục vụ việc thu phí.
Kiến nghị Chính phủ dừng thu
Theo Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, trước các phản ánh của các tỉnh, thành về các bất cập của việc thu phí xe máy, quỹ đã khảo sát 32 tỉnh, thành. Trong số này, tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu có kiến nghị chính thức bỏ loại phí này. “Đà Nẵng đề nghị nếu vẫn tiếp tục thu phí thì trung ương cần yêu cầu các tỉnh, thành đều phải thu phí, đồng thời bổ sung biện pháp chế tài cụ thể đối với người không đóng phí” - ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu có nguồn thu ngân sách tốt. Khi hai địa phương này không thu phí xe máy vẫn có nguồn cáng đáng, cân đối nguồn chi cho hoạt động bảo trì cầu, đường. Ông Minh nói: “Đối với 30 địa phương còn lại gặp nhiều khó khăn, nguồn ngân sách bố trí việc duy tu, bảo trì cầu, đường chỉ đáp ứng được khoảng 30%-40% nhu cầu. Vì vậy, họ mong muốn duy trì để có thêm nguồn thu. Nhưng kể từ năm 2013 đến nay, tỉ lệ thu phí trung bình chỉ đạt được 17%. Việc thu phí gặp nhiều khó khăn vì chế tài không rõ ràng dẫn đến sự không công bằng giữa người đóng và người không đóng phí”.
Đại diện các bộ Tài chính, KH&ĐT, GTVT cũng nhìn nhận việc thu phí xe máy đang vấp phải một số bất cập. Ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, cho rằng Quỹ bảo trì đường bộ từ khi hoạt động đến nay đã tạo được dư luận tốt song khó khăn lại gặp ở việc thu phí xe máy. Vì thế cần lấy ý kiến thêm của các tỉnh, thành để đi đến quyết định cuối cùng cho thuyết phục. Ông Đinh La Thăng khẳng định Bộ GTVT và Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ đề nghị dừng thu phí xe máy. “Việc xử lý sau này, như tiếp tục thu hay ngừng, nếu ngừng có hoàn trả lại phí hay không… thì sau khi chờ kết luận chính thức của Chính phủ” - ông Minh thông tin.
Vì sao Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị dừng? - Năm 2013, Đồng Nai bắt đầu thu phí xe máy và thu được hơn 50 tỉ đồng. Nhưng cả năm 2014 chỉ thu được... 5 tỉ đồng. Đơn cử, bà Nguyễn Thị Thanh Yên, Chủ tịch UBND huyện Định Quán, cho biết năm 2013 huyện thu được 2,8 tỉ đồng nhưng năm 2014 chỉ thu được 1,1 tỉ đồng. Còn sáu tháng đầu năm 2015 thu được 600 triệu đồng. Ông Nguyễn Công Ngôn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, tỉnh Đồng Nai, không ủng hộ việc tiếp tục thu phí xe máy vì số tiền thu phí không được bao nhiêu, trong khi phải huy động gần như cả bộ máy vào. Tương tự, nhiều đại biểu HĐND tỉnh cũng đề nghị ngừng thu. Chiều qua (15-7), ông Nguyễn Văn Tư, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh đang rà soát lại việc thu phí rồi sẽ đưa quyết định chính thức cho đúng trình tự, thủ tục. Theo ông Trần Văn Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nếu không thu phí thì HĐND tỉnh cần thông qua một khoản kinh phí để bảo trì đường giao thông huyện và xã. TIẾN DŨNG - Ngày 15-7, HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có tờ trình lấy ý kiến các đại biểu cho nghị quyết để trình kỳ họp thông qua. Một trong số 17 “đầu việc” là có nghị quyết về việc tạm dừng thu phí xe máy ở tỉnh. Chiều cùng ngày, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Thượng Chí - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh cho rằng qua thực tế Sở nhận thấy nên bỏ thu phí này. Sở cũng nêu rõ với Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương nên tạm dừng. Tỉnh đã triển khai đến các địa phương bắt đầu thu phí từ đầu tháng 8-2014, song mức thu trong năm 2014 chỉ được gần 1,5 tỉ đồng, đạt 8,8% kế hoạch. Trong sáu tháng đầu năm 2015 thu được 7% so với kế hoạch. “Xe máy không phải nguyên nhân gây ra hư hỏng cầu, đường. Hiện một số nơi như Đà Nẵng, Khánh Hòa… đã tạm dừng nên chúng tôi kiến nghị HĐND, UBND tỉnh xem xét trong khi chờ Chính phủ sửa đổi quy định thì cho phép tạm dừng. Tỉnh cũng cần có kiến nghị với Chính phủ sớm sửa lại quy định này” - ông Chí đề xuất. TRÙNG KHÁNH 17% là tỉ lệ thu phí xe máy trên cả nước đạt được từ các năm 2013, 2014 và sáu tháng đầu năm 2015. Chánh Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương LÊ HOÀNG MINH |