Sẽ lập hội đồng phối hợp đào tạo nguồn chức danh tư pháp

Việc phối hợp đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư giữa Bộ Tư pháp, TAND Tối cao, VKSND Tối cao
và Liên đoàn Luật sư đang còn nhiều bất cập.

Ngày 12-3, Bộ Tư pháp đã chủ trì cuộc họp liên ngành bàn về việc thành lập hội đồng phối hợp đào tạo nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư.

“Hiện nay, VKSND Tối cao đã thành lập Trường ĐH Kiểm sát, TAND Tối cao cũng dự kiến thành lập Học viện Tòa án, Liên đoàn Luật sư Việt Nam thành lập Trường Đào tạo luật sư. Như vậy, Học viện Tư pháp không còn là đầu mối thống nhất trong việc đào tạo các chức danh tư pháp. Nếu có nhiều cơ sở đào tạo mà không có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau thì chất lượng “đầu ra” sẽ rất khác nhau, chưa kể nguồn lực bị phân tán thì cơ sở nào cũng sẽ yếu đi” - ông Nguyễn Thái Phúc (Giám đốc Học viện Tư pháp) nêu lý do của việc cần thiết phải thành lập một hội đồng phối hợp.

Ông Phúc cũng cho biết thêm trong quyết định phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tiếp tục bảo đảm chỉ tiêu đào tạo nguồn bổ nhiệm chức danh thẩm phán 500 người/năm, kiểm sát viên 300 người/năm và triển khai thí điểm đào tạo chung nguồn bổ nhiệm ba chức danh tư pháp với chỉ tiêu 100 người/năm. Thủ tướng cũng đề nghị TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc sự quản lý của mình phối hợp với Bộ Tư pháp trong công tác đào tạo các chức danh tư pháp, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chiến lược cải cách tư pháp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay công tác phối hợp trong đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư giữa Bộ Tư pháp, TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Liên đoàn Luật sư Việt Nam còn nhiều bất cập.

Theo ông Phúc, cơ chế tuyển sinh đào tạo các chức danh tư pháp không ổn định, không thống nhất theo thời gian và đối tượng đào tạo. Kế hoạch tuyển sinh đào tạo các chức danh tư pháp này luôn bị thay đổi và thường là chậm rất nhiều về thời gian theo kế hoạch. “Có giai đoạn, việc tuyển sinh học viên thẩm phán bị gián đoạn, thời gian gửi danh sách học viên thường không cố định. Ngành kiểm sát nhiều năm nay không gửi danh sách học viên. Năm 2013, VKSND Tối cao hai lần gửi văn bản sang Học viện Tư pháp đề nghị khi thì 300 học viên, khi thì 70 học viên nhưng trên thực tế đều không gửi học viên sang” - ông Phúc nói.

Cũng theo ông Phúc, hiện chưa có cơ chế biệt phái, điều động thẩm phán, kiểm sát viên tham gia giảng dạy tại Học viện Tư pháp. Cạnh đó, việc khai thác hồ sơ là những vụ án đã xét xử tại các tòa án, VKS dùng làm tài liệu giảng dạy, học tập còn gặp khó khăn. Đặc biệt, học viên về thực tập tại các tòa án, VKS chưa thật hiệu quả do có nhiều hoạt động tố tụng, học viên chỉ được quan sát mà không được thực hành…ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới