Ngày 1-9, trao đổi qua điện thoại với phóng viên PLO, ông Lê Tuấn Hải, quyền chủ tịch UBND TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau cho biết sẽ cố gắng nâng cầu thêm 30 - 35 cm.
Cây cầu dân chê quá thấp, cản ghe lúa gạo lưu thông. Ảnh: Trần Vũ.
"Cầu có độ thông thuyền 1,5 m và vừa qua một số người dân yêu cầu nâng thêm 50 cm. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, nếu nâng thêm 50 cm sẽ không đảm bảo an toàn cho phía xe cộ qua cầu, vì độ dốc cao. Để dung hòa lợi ích của cả đường thủy, đường bộ, chúng tôi sẽ cho điều chỉnh, cố gắng nâng cầu thêm 30 - 35 cm" - ông Hải nói rõ.
Ông Hải cho rằng, với mức nâng thêm này, nếu nước ròng thì độ thông thuyền đã đạt 2,1 m, đảm bảo cho tàu thuyền lưu thông bình thường như hệ thống cầu hiện hữu.
Cây cầu đã sẵn sàng gác dầm nhưng dân yêu cầu nâng nên tạm ngưng. Ảnh: Trần Vũ.
Trong vài ngày nữa, UBND TP Cà Mau sẽ tổ chức họp dân để nói rõ tinh thần trên.
Trước đó, như chúng tôi phản ảnh, có 7 hộ dân sống cập Kênh Rạch Rập, thuộc xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau gửi đơn yêu cầu chính quyền tạm ngưng gác dầm vì cầu quá thấp. Đó là cây cầu bắc qua Đình Tân Hưng, ngang kênh Rạch Rập. Theo các hộ dân này, tuyến kênh Rạch Rập hiện còn nhiều tàu thuyền lớn lưu thông. Hệ thống cầu hiện hữu trên tuyến này đều có độ tĩnh không từ 2 m trở lên, ghe 80 tấn lưu thông được.
Trên tuyến kênh Rạch Rập hiện nay hầu hết cầu có độ thông thuyền từ 2 m trở lên. Ảnh: Trần Vũ.
Ngày 20-8-2020, xã Lý Văn Lâm cho tổ chức họp đối thoại với các hộ dân có đơn yêu cầu. Qua đó, các hộ dân đề nghị nâng độ tĩnh không cầu thêm 50 cm, tức đạt mức 2 m như hệ thống cầu hiện hữu. Chủ tịch xã Lý Văn Lâm, ông Nguyễn Hạnh Phúc ghi nhận và báo cáo về UBND thành phố xem xét.
Tại cuộc họp nói trên, đại diện đơn vị thiết kế cầu đã khẳng định với người dân tính pháp lý xây cầu là đảm bảo đúng các quy định của Nhà nước hiện hành. Tuy nhiên, người dân đã không đồng tình với lý giải này, cho rằng nếu vẫn giữ độ thông thuyền 1,5 m thì một số nhà máy lúa gạo trên Kênh này sẽ đóng cửa.