Vụ “bỗng nhiên “phải” thoát nghèo” ở Cần Giờ”

Sẽ rà soát lại toàn bộ cuộc sống của người dân

Liên quan đến việc tính gộp tiền bồi thường ô nhiễm môi trường vào thu nhập của những hộ nghèo ở xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) “giúp” những hộ này thoát nghèo, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Đoàn Thị Ngọc Cẩm cho biết: Việc tính gộp tiền bồi thường ô nhiễm môi trường vào thu nhập của người dân các xã, thị trấn huyện Cần Giờ khiến những hộ này thoát nghèo là đã vội vã, cứng nhắc. Và không chỉ riêng xã Thạnh An tính gộp tiền bồi thường ô nhiễm môi trường vào thu nhập của dân mà ba xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện Cần Giờ cũng có cách tính tương tự, bao gồm Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông và Bình Khánh.

Trên tinh thần đó, bà Cẩm cho hay thứ Ba tuần sau (16-9-2014), UBND huyện Cần Giờ sẽ làm việc với lãnh đạo bốn xã có tính gộp tiền bồi thường ô nhiễm Vedan vào thu nhập của người dân để các hộ này thoát nghèo. “Huyện sẽ chỉ đạo rà soát lại cuộc sống của các hộ này, nếu người dân tái nghèo thì phải đưa ngay vào diện hộ nghèo” - bà Cẩm cho hay.

Lý giải cho việc nhiều xã, thị trấn ở Cần Giờ cùng chung một cách tính, phó Phòng LĐ-TB&XH, phó Ban Giảm nghèo, tăng hộ khá của huyện Cần Giờ Phạm Quang Chiến thông tin: “Thật ra theo hướng dẫn khảo sát thu nhập cuối năm, chỉ có hướng dẫn rằng trong năm đó có mức thu nhập thực tế bao nhiêu thì tính bao nhiêu nên xã nào cũng tính như vậy hết”.

Ông Chiến cũng cho biết theo báo cáo của Thạnh An, xã có 367 hộ nhận tiền bồi thường ô nhiễm Vedan, trong đó có 322 hộ vượt nghèo năm 2011. Tuy nhiên, trong 322 hộ vượt này, hiện nay đa số là đã tái nghèo vì hiện chuẩn nghèo đã tăng lên 16 triệu đồng/người/năm và “tiền bồi thường ô nhiễm là của năm 2011 chứ qua năm 2012 thì không còn thu nhập này nữa, dẫn đến việc giảm sút thu nhập” - ông Chiến nói.

Riêng về cách tính thu nhập cào bằng của chính quyền xã Thạnh An khiến nhiều hộ dân bức xúc, cụ thể nhà nào có ghe lưới (ghẹ, cua, cá khoai,…) thì thu nhập của chủ ghe là 200.000 đồng/ngày; thu nhập của người cất cá cơm là 50.000 đồng/ngày, thu nhập của người ở nhà nội trợ (không việc làm) là 30.000 đồng/ngày… Bà Đoàn Thị Ngọc Cẩm cho biết khi nhận được báo cáo của xã Thạnh An về cách định mức thu nhập các ngành nghề như trên thì UBND huyện Cần Giờ thấy là chưa rõ ràng, thỏa đáng nên sẽ cho Phòng LĐ-TB&XH huyện đích thân xuống làm việc với xã Thạnh An để có một cách tính mới cho phù hợp với điều kiện sống của bà con. Cá nhân bà Cẩm cũng không đồng tình với cách định mức này.

Trước đó, báo Pháp Luật TP.HCM đã có bài phản ánh việc chính quyền xã Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM) đã “cộng một cục” số tiền do Vedan bồi thường vào thu nhập trong năm, “giúp” nhiều hộ nghèo ở xã Thạnh An thoát nghèo bất đắc dĩ và bị cắt các chế độ hộ nghèo. Cùng với đó là việc cào bằng thu nhập của các hộ này theo một định mức thu nhập do xã đưa ra khiến các hộ dân bức xúc.

LÊ THOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm