Sẽ sớm có ‘đối thoại Minsk’ tiếp theo cho Ukraine?
Ngày 5-9, thỏa thuận ngừng bắn giữa Kiev và quân ly khai được lập ra tại Minsk (Belarut) dưới sự giám sát của tổ chức Hợp tác và An ninh Châu Âu (OSCE).
OSCE ngay lập tức tuyên bố sẽ sớm áp dụng máy bay không người lái vào việc giám sát quá trình thực thi lệnh ngừng bắn tại Ukraine. Các quốc gia Đức, Pháp, Thụy sĩ tuyên bố “hưởng ứng” chủ trương này nhằm chấm dứt tình trạng súng nổ, máu đổ tại Ukraine.
“Giám sát” chứ không thể “kiểm soát”?
Báo Nga đưa tin nước Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng đã cáo buộc quân đội Ukraine vi phạm thỏa thuận ngừng bắn Minsk 10 lần chỉ trong ngày 20-9, làm nhiều người dân thiệt mạng tại vùng Donbas.
Lãnh đạo Donetsk tự xưng mô tả “Lúc 10h50 sáng, đối phương sử dụng tên lửa Grad tấn công khu mỏ Abakumova và Komsomolets Donbasu. Ngọn lửa đã thiêu rụi hoàn toàn 3 tòa nhà hành chính làm 3 nhân viên thiệt mạng”.
Lực lượng quân chính phủ Ukraine còn bị cáo buộc đã bắn phá các khu vực của lực lượng dân quân ở một số ngôi làng tại Donetsk. Tại khu định cư Belo – Kamenka, Nova Marivka và Zuevka, dân quân các khu vực này cũng tố cáo quân đội Kiev đã bắn phá làm chết một người dân, đồng thời làm 7 người khác bị thương.
Quân đội Ukraina bị cáo buộc đã vi phạm lệnh ngừng bắn 10 lần trong một ngày (Ảnh: REUTERS/ Gleb Garanich)
Trước đó, ngày 15-9, hảng Reuters đưa tin giao tranh tiếp tục nổ ra ở Donetsk, thành phố đầu não của lực lượng ly khai tại Ukraine trong bối cảnh tổng thống Ukraine Poroshenko chuẩn bị công bố một đề xuất trao quy chế “đặc biệt” cho 2 khu vực ly khai Donetsk và Luhansk nhằm chấm dứt cuộc nội chiến giết chết hơn 3.000 người.
OSCE nói thêm mặc dù lệnh ngừng bắn đã được thực hiện từ ngày 5-9 nhưng vẫn thường xuyên bị vi phạm bởi các vụ đụng độ lẻ tẻ bằng vũ khí hạng nhẹ. Thậm chí cũng trong ngày 15-9, một nhóm các quan sát viên của OSCE đã bị các tay súng tấn công gần thành phố Donetsk khi đang thực hiện nhiệm vụ giám sát thỏa thuận ngừng bắn ở miền đông Ukraine.
Gợi ý nào cho hòa bình Ukraine?
Cho đến thời điểm này, thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine dường như không còn ý nghĩa, ít nhất là ở phương diện thực địa. Kiev và các thành viên nước cộng hòa tự phong Donbas đã đồng ý thỏa thuận ngừng bắn sau cuộc hội đàm diễn ra ở Minsk vào ngày 5-9. Tuy cả hai phía ở Ukraine đều cam kết không sử dụng lực lượng quân đội, nhưng thỏa thuận ngừng bắn chỉ có hiệu lực cho đến khi một trong hai bên (phía đối lập) vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận ngừng bắn.
Việc Donetsk và các bên ly khai khác nhiều lần “tố” Ukraine “bắn bừa bãi”, cùng những ghi nhận từ truyền thông Nga, phương Tây cho thấy gia tranh vẫn diễn ra. Chưa có chứng cứ thuyết phục cho cáo buộc từ phía quân ly khai, hay quân chính phủ đối với việc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, nga từ đầu, giới quan sát đã nhận định thỏa thuận trên quá “mong manh”.
Việc kiểm soát an ninh tại Ukraine dường như là bất khả thi khi phương Tây chỉ “giám sát”; Kiev quyết liệt trong việc “đòi” lại quyền kiểm soát các vùng ly khai – nỗi ám ảnh từ sau khủng hoảng Crime. Trong khi đó, phe ly khai ngay từ đầu đã quyết “mở đường máu” nhằm đảm bảo yêu cầu tự trị, “thoát” khỏi chính phủ mà phe ly khai thường cáo buộc là “thân phương Tây”. Thậm chí NATO còn tuyên bố cung cấp vũ khí quân sự cho chính quyền Kiev, tăng khả năng và mong muốn “dẹp” các chính quyền tự phong. Đồng thời cũng làm tăng mối lo ngại an ninh từ phía quân ly khai, đẩy xung đột lên cao.
Đó là chưa kể, khi nội bộ còn đang “chỉa súng vào nhau” thì bên ngoài, căn thẳng Nga-phương Tây cũng nóng hừng hực. Lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và EU ngày càng nặng với Nga, trong khi Moscow chấp nhận “ăn miếng trả miếng” với những lợi thế về thị trường năng lượng, vũ khí, hàng công nghiệp. Đối đầu kinh tế lan dần sang quân sự, khi Mỹ, NATO đối đầu Nga đua nhau tập trận, hỗ trợ tập trận.
Trước bờ vực thảm kịch nhân đạo tại Ukraine kéo dài suốt hơn nửa năm qua, một cuộc đối thoại mới với những sáng kiến về mặt “cấu trúc chính trị” – dung hòa nỗi bất an về an ninh của cả Kiev và quân ly khai – cần thiết được thực hiện sớm. Song song đó, các giải pháp giảm nhiệt giữa Nga và phương Tây cũng là yếu tố quan trọng mà Ukraine vẫn sẽ chịu ảnh hưởng trong dài hơi.