Sẽ xây dựng dịch vụ du thuyền thành sản phẩm đặc trưng

(PLO)- Năm năm tới, Việt Nam định hướng xây dựng dịch vụ du thuyền thành sản phẩm đặc trưng với một lộ trình cụ thể, bài bản, vấn đề này cũng nhận được nhiều góp ý từ các chuyên gia trong lĩnh vực.

Mới đây, Bộ GTVT công bố dự thảo quyết về việc phê duyệt đề án quản lý du thuyền. Trong dự thảo, Bộ GTVT xây dựng dịch vụ du thuyền theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng cao và từng bước trở thành sản phẩm đặc trưng gắn liền với thương hiệu của đất nước.

Bảy nhóm việc để xây dựng công nghiệp du thuyền

Trong dự thảo, Bộ GTVT cho biết sẽ mở rộng hợp tác, liên doanh với các nhà đầu tư, thương hiệu quốc tế để thu hút công nghệ tiên tiến hiện đại, đồng thời nhanh chóng tham gia, hội nhập vào chuỗi sản xuất, cung ứng, dịch vụ du thuyền của khu vực và thế giới.

Về giải pháp thực hiện, từ năm 2024-2025, Bộ GTVT sẽ rà soát, bổ sung nội dung quy định về quản lý hoạt động du thuyền và xây dựng phương án thí điểm việc quản lý hoạt động du thuyền.

Quy định về vùng hoạt động, khu neo đậu cho du thuyền; trách nhiệm của chủ tàu, thuyền viên, thuyền trưởng, hành khách trong hoạt động của du thuyền; yêu cầu đối với du thuyền hoạt động trong vùng nước cảng biển và khu vực quản lý của cảng vụ hàng hải.

Về giải pháp dài hạn giai đoạn 2025-2030, Bộ GTVT sẽ tập trung đổi mới thể chế với bảy nhóm việc. Cụ thể, bổ sung định nghĩa về du thuyền trong Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Giao thông đường thủy nội địa; xây dựng nghị định quy định về quản lý hoạt động du thuyền chung trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa; rà soát, bổ sung quy hoạch về bến du thuyền, khu neo đậu du thuyền; các vùng biển, đường thủy nội địa mà du thuyền mang cờ quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch nước ngoài được phép hoạt động.

Bộ GTVT sẽ xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp và dịch vụ liên quan du thuyền… Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng quy hoạch bến du thuyền chuyên dụng với công năng tiếp nhận các du thuyền trong và ngoài nước, kèm theo các dịch vụ thương mại để tạo nguồn thu.

Bổ sung các quy định về quản lý hoạt động của cảng, bến du thuyền và nghiên cứu, bổ sung quy định về giá dịch vụ tại cảng, bến du thuyền. Rà soát bổ sung các quy định đăng ký và cấp chứng nhận đăng ký du thuyền, tuổi du thuyền. Cuối cùng là giải pháp cải cách thủ tục hành chính để đảm bảo thực hiện thủ tục tàu thuyền vào rời cảng biển được xuyên suốt.

Dịch vụ du thuyền tại Việt Nam còn đang ở giai đoạn sơ khai. Ảnh: NHƯ NGỌC

Nên xây dựng hành lang pháp lý hoàn thiện, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển, thu hút đầu tư phát triển trong và ngoài nước.

Học hỏi kinh nghiệm từ các nước

Góp ý cho đề án, ông Lưu Văn Đức, CEO Công ty TNHH Đóng tàu Lưu Gia, cho rằng quy hoạch bến cảng là phù hợp và kịp thời để kích thích phát triển. Tiềm năng còn lớn nhưng cần phải quyết liệt đồng bộ, liên tục, để có môi trường thuận lợi cho sự phát triển đó.

“Cần có những bước đột phá trong quy hoạch, điểm đến, điểm đi, điểm neo đậu. Tháo gỡ các bước không đăng kiểm, để tiến gần tới cách đăng kiểm như trong ô tô” - ông Đức góp ý.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ana Marina Nha Trang, đề án cần đưa ra lộ trình, giải pháp để bước đầu tháo gỡ những khó khăn, khác biệt so với quy định, thông lệ quốc tế về du thuyền để thu hút du thuyền đến Việt Nam. Từ đó tạo tiền đề cho sự phát triển của ngành công nghiệp du thuyền Việt Nam.

Ông Hùng cho rằng cần nghiên cứu kinh nghiệm quản lý du thuyền trên thế giới về phân loại du thuyền, về đăng ký, đăng kiểm. Chẳng hạn, ở Hong Kong, cơ quan quản lý hoạt động của du thuyền căn cứ trên kết quả kiểm tra của đăng kiểm và nhu cầu của chủ tàu cấp giấy chứng nhận sở hữu và giấy phép hoạt động có thời hạn cho du thuyền.

Trong khi đó, tại Singapore, du thuyền muốn hoạt động nội địa chỉ cấp giấy phép hoạt động, không cấp giấy đăng ký. Du thuyền muốn đi tuyến quốc tế sẽ được cấp giấy đăng ký. Sau khi một du thuyền được đăng ký quốc tịch Singapore thì không được xem như một du thuyền nội địa nữa mà được quản lý như một du thuyền mang quốc tịch nước ngoài.

Ngoài ra, cần nghiên cứu thêm nước ngoài về bằng cấp và định biên thuyền viên. Các quốc gia đều xây dựng hệ thống đào tạo và bằng cấp, chứng chỉ riêng cho hoạt động du thuyền. Đồng thời đều có cơ chế công nhận bằng cấp thuyền viên do quốc gia khác hoặc các tổ chức du thuyền quốc tế cấp.

Về giải pháp quản lý hoạt động du thuyền, ông Hùng góp ý về giải pháp ngắn hạn nên rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định quản lý du thuyền, đăng ký, đăng kiểm, định biên thuyền viên, miễn giảm một số hồ sơ thủ tục, nghiên cứu áp dụng theo mô hình quản lý của một số quốc gia lân cận (Singapore, Thái Lan, Hong Kong…). Xây dựng phương án thí điểm việc quản lý hoạt động du thuyền, theo đó có quy định chung về quản lý hoạt động du thuyền.

Giải pháp dài hạn nên xây dựng hành lang pháp lý hoàn thiện, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển, thu hút đầu tư phát triển trong và ngoài nước.•

Du thuyền ở nước ta đang còn sơ khai

“Trên thực tế, du thuyền đã xuất hiện tại Việt Nam từ giai đoạn 2007-2008, tuy nhiên tại thời điểm ấy chỉ có một vài cá nhân nhập du thuyền cũ đơn lẻ. Phải đến năm 2017, khi Việt Nam có nhà phân phối du thuyền chính hãng đầu tiên, đến nay có khoảng trên dưới 10 công ty phân phối chính hãng du thuyền tại Việt Nam, đại diện cho hơn 40 thương hiệu.

Số lượng du thuyền tại nước ta vào khoảng gần 200 chiếc cả cũ và mới (số lượng này tính các phương tiện đúng là du thuyền theo chuẩn quốc tế). Số lượng du thuyền Việt Nam hiện tại gần như quá nhỏ, sơ khai so với khu vực, thế giới và tiềm năng của ngành.”

Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ana Marina Nha Trang

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới