Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thủ Đức (TP.HCM) đang điều tra vụ tai nạn giao thông xảy ra sáng 14-6 tại đường Kha Vạn Cân (phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức) làm một bé gái chết thảm. Trong vụ này, cơ quan điều tra đặc biệt chú trọng vào loại còi hơi của chiếc xe bồn gây tai nạn (biển số 57L-0967). Nghi vấn ban đầu cho thấy tài xế sử dụng còi tiếng quá lớn và không giữ khoảng cách an toàn nên va chạm vào xe máy khiến nạn nhân té ngã xuống đường.
Tiếng còi hơi gây tai nạn
Vào thời điểm trên, chị Lê Thị Loan chạy xe Attila chở con gái Đinh Phương Vy (hai tuổi) ngồi phía trước xe. Cùng lúc, tài xế Nguyễn Văn Tuân điều khiển chiếc xe bồn chạy phía sau rồi bóp còi để vượt lên.
Tiếng còi xe quá lớn và bất ngờ khiến cháu Vy giật mình ngã về phía trước. Thấy vậy, chị Loan một tay giữ con, một tay bóp thắng. Do thắng gấp nên xe chị Loan ngã xuống đường, còn cháu Vy văng ra ngoài. Ngay lúc đó bánh xe bồn cán qua người làm cháu Vy chết tại chỗ. Chị Loan như điên dại ôm chặt con khóc thảm thiết làm nhiều người rơi nước mắt.
Vụ tai nạn đau lòng do tiếng còi xe khiến nhiều người bức xúc. Ảnh: HÀN GIANG
Hiện chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân tai nạn nhưng dư luận hết sức bất bình về tình trạng nhiều phương tiện giao thông tự trang bị còi hơi, bấm còi vô tội vạ gây kinh hoàng cho người đi đường. Người đi đường yếu tâm lý dễ bị lạc tay lái dẫn đến tai nạn bởi lý do không đáng có.
Theo Luật Giao thông đường bộ, còi hơi bị cấm tuyệt đối sử dụng trong nội ô thành phố nhưng tài xế vẫn bất chấp. Một cán bộ Phòng CSGT đường bộ cho biết xe buýt, xe tải là đối tượng tự ý gắn thêm còi hơi để sử dụng nhiều nhất. Tuy nhiên, người vi phạm lại không bị tước giấy phép lái xe, mức phạt tiền cũng không cao.
Việc trang bị thêm còi hơi, gắn còi khác để tăng cường độ âm thanh khiến người khác phải né cho mình vượt qua là hiện tượng bất bình thường trong giao thông hiện tại. Việc dùng còi còn thể hiện hành vi văn hóa của người điều khiển phương tiện giao thông.
Cấm mà vẫn bấm: Phạm tội
Theo luật sư Trương Đình Tùng, Đoàn Luật sư TP.HCM, trong trường hợp này cần phải xem xét loại còi xe đó có được sử dụng hay không và trên đoạn đường đó có bị cấm bấm còi không. Trường hợp người mẹ sức khỏe bình thường, năng lực điều khiển xe bình thường mà việc bóp còi gây giật mình cho người mẹ và con dẫn đến tai nạn thì lỗi do tài xế xe bồn gây ra. Vì pháp luật không thể ngẫu nhiên cấm dùng một số loại còi ở một số khu vực trong thành phố, mà việc bóp còi lại còn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn cho người khác thì hành vi đó đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Tài xế xe bồn đã bóp còi tức đã phát hiện phương tiện khác phía trước mà không kiểm soát tốc độ để cán qua người cháu bé là hành vi vi phạm giao thông quá rõ. Nếu cơ quan chức năng chứng minh được việc vi phạm trong sử dụng còi của xe bồn thì tài xế bị xem xét trách nhiệm cả hai (sử dụng còi sai và không kiểm soát được cự ly, tốc độ).
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết việc sử dụng còi hơi làm người đi đường giật mình, thậm chí bị tai nạn chết người, nếu có nhân chứng tại hiện trường xác nhận thì có thể khởi tố hình sự. Hiện nay pháp luật chỉ cấm sử dụng còi hơi nhưng tiếng còi hơi ảnh hưởng sức khỏe như thế nào thì luật chưa quy định rõ ràng, cụ thể. Mặc dù luật đã quy định nhưng việc áp dụng, chế tài chưa triệt để, còn ý thức người tham gia giao thông chỉ mong “lùa” người khác để mình vượt qua mà không biết ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người khác như thế nào. Có những người già, người có bệnh lý dù không rơi vào trường hợp bị tai nạn chết tại chỗ như cháu Vy nhưng có khi về đến nhà mới xảy ra hậu quả. Do đó, trước hết giới tài xế phải có ý thức chấp hành trước, đồng thời các cơ quan thực thi pháp luật phải tiến hành kiểm tra, xử phạt triệt để.
HOÀNG TUYẾT